Theo Thủ tướng, thời gian qua, các cơ quan quan chức năng đã xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có sai phạm của một số cán bộ cao cấp.
GDP bình quân đầu người tăng 440 USD
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019 trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là tăng cường kỷ luật kỷ cương, xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cả năm dự kiến vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%.
Thu ngân sách cả nước ước vượt 3% dự toán, trong đó tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm, thu nội địa tăng (gần 82% tổng thu).
Về bội chi, theo lãnh đạo Chính phủ, năm 2018 khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu 3,7%. Tỷ lệ này sẽ giảm về 3,4% sau 2 năm nữa. Nợ công khoảng 61,4% GDP, thấp hơn mức 63,7% năm 2016.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP, trong đó tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước giảm, đầu tư tư nhân tăng 42,4%. Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài FDI khoảng 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Quang cảnh kỳ họp.
“Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt”, Thủ tướng nói và khẳng định quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.
Dự báo sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016 – 2020) đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.
Ông nói thêm, trong năm Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Đến nay, đã giảm số lượng lớn các tổng cục, vụ, cục thuộc bộ; giảm trên 86,3 nghìn biên chế, trong đó có 12,4 nghìn công chức.
Đáng chú ý là Chính phủ phát huy vai trò của các tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ và kiểm tra công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; nhiệm vụ quá hạn giảm từ 25,2% đầu nhiệm kỳ xuống còn 2,9%.
Thủ tướng cho biết, trong năm 2018, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước (kiến nghị thu hồi gần 26.000 tỷ đồng, đã thu hồi trên 14.000 tỷ đồng).
Theo ông, công tác phòng chống tham nhũng được quyết liệt triển khai; nghiêm túc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt.
“Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp; tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”…), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu.
Trong đó, trật tự tại một số địa bàn còn diễn biến phức tạp; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng cháy, chữa cháy… còn bất cập; xảy ra nhiều vụ trọng án, chống người thi hành công vụ, tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng…
Thủ tướng đề nghị từng cấp, từng ngành không được chủ quan, trong chỉ đạo điều hành có những giải pháp phù hợp, kịp thời khắc phục hiệu quả những hạn chế, yếu kém, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2019, trong đó tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Đáng chú ý, giải pháp về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình.
Cùng với đó, Thủ tướng nêu rõ, việc siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số với các giải pháp, bước đi phù hợp, chắc chắn.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm vi phạm.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, triệt để thu hồi tài sản bị thất thoát.
Thủ tướng nhấn mạnh đến giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời các sự cố mất an toàn thông tin, an ninh mạng.
Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc; có giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng đưa tin sai sự thật trên mạng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm các vi phạm.