Chia sẻ tại buổi toạ đàm “Chống rác thải nhựa”, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết lượng chất thải nhựa và túi nylon ước tính chiếm khoảng 6-8% trong chất thải rắn sinh hoạt. Do vậy, nếu không được thu gom, xử lý triệt để sẽ gây ra những hiểm hoạ nghiêm trọng.
GS.TS. Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đánh giá việc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các sản phẩm nhựa khó phân hủy và những túi nylon sử dụng một lần ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập.
Việc xử lý không triệt để và quản lý không tốt dẫn đến rất nhiều tác hại đối với môi trường của chúng ta, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Trong tự nhiên, loại sản phẩm nhựa khó phân hủy, túi nylon có thể tồn tại đến vài trăm năm và chính sự tồn tại này sẽ làm ảnh hưởng đến thành phần đất, nước”, bà nói.
Bởi nếu túi nylon được xử lý bằng nhiệt thì sẽ sinh ra rất nhiều khí độc. Trong khi đó, việc người Việt đang sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hằng ngày như một thói quen đã dẫn đến rác thải nylon ngày càng tăng.
Ví dụ, tại Hà Nội, mỗi ngày người dân thải ra 5.000 tấn rác, trong đó khoảng 7%-8% là nylon hoặc sản phẩm nhựa khó phân hủy.
“Tình trạng này báo động chúng ta rằng nếu không nhìn thấy tác hại của túi nylon, rác thải nhựa thì không chỉ thế hệ chúng ta mà cả thế hệ sau này sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề”, bà nói.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết lượng chất thải nhựa và túi nylon chiếm khoảng 6-8% trong chất thải rắn sinh hoạt. Tương tự bà Chi, ông Nhân nhấn mạnh đến tác hại của rác thải nhựa khi chúng xâm nhập vào hệ thống dòng chảy trong đất liền và được vận chuyển ra sông, ra biển, phân rã thành các mảnh nhỏ. Từ đó các sinh vật biển có thể nuốt phải, ảnh hưởng đến sự hô hấp hoặc ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá, hoặc đi vào chuỗi thức ăn, là mối đe doạ đối với môi trường và hệ sinh thái.
Theo ông, chất thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nhất là từ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Việc xử lý rác thải túi nylon chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp vì giá trị thu hồi để tái chế thấp. Chất thải nhựa dùng một lần và túi nylon nếu không kiểm soát tốt sẽ tác động xấu đến môi trường sống.
“Ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề báo động và xử lý rác thải nhựa đang đặt ra hết sức cấp bách”, ông nhấn mạnh.
Để giải quyết những nguy cơ này, bà Chi cho rằng một mặt cần đẩy mạnh tuyên truyền với người tiêu dùng nhằm giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy, mặt khác, cần tiến tới cấm sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon mỏng dùng một lần.
“Có một số ý kiến cho rằng, làm như vậy sẽ gây hoang mang, không đủ sản phẩm thay thế, đẩy doanh nghiệp sản xuất đi vào khó khăn. Nhưng khi đã cấm, thì buộc doanh nghiệp, người dân, xã hội phải tìm ra những biện pháp mới thay thế, thân thiện với môi trường”, bà nói.
Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất cần phải nghiên cứu, tiến hành tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa theo hình thức có lợi cho môi trường.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuế Bảo vệ môi trường. Luật quy định túi nylon không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng đã tiếp tục đề xuất với Quốc hội điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khó phân hủy tại Nghị quyết số 579 trong năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng mức thuế từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg.
Theo ông, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả chính sách thuế bảo vệ môi trường để từ đó có các giải pháp kinh tế, công cụ kinh tế đối với doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy.
T.Công, theo Trí Thức Trẻ
http://ttvn.vn/kinh-doanh/thu-truong-bo-tai-nguyen-moi-truong-o-nhiem-rac-thai-nhua-da-tro-thanh-van-de-bao-dong-420191511173639142.htm