Thống đốc Ngân hàng: Bộ Tài chính Mỹ kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ

Thống đốc Lê Minh Hưng.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, lợi thế thương mại không cân bằng.

Việt Nam là 1/9 nước bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ

Sáng 6/6, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết giải pháp của Chính phủ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách cần giám sát của Bộ Tài chính Mỹ.

“Chính phủ đã dự liệu được tình huống này và giải pháp ra sao? Có cần thiết giao một cơ quan đặc trách tham mưu cho Chính phủ hay không?”, ông Hàm hỏi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời thay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Ông Lê Minh Hưng nói, ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá với các nước là đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra danh sách 9 nước cần theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.

Ba tiêu chí để Bộ Tài chính Mỹ đưa các nước vào báo cáo này, gồm thặng dư thương mại với Mỹ hơn 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp ngoại hối một chiều (mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục) 2% GDP.

Việt Nam thoả mãn 2 tiêu chí là thặng dư thương mại lớn hơn 20 tỷ và cán cân vãng lai; còn can thiệp ngoại hối một chiều thấp hơn ngưỡng Mỹ đưa ra.

Thống đốc Hưng khẳng định, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận, không có quốc gia nào trong danh sách 9 nước trên thao túng tiền tệ.

Về phía Việt Nam đã cung cấp thông tin và khẳng định quan điểm nhất quán điều hành của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Việt Nam không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, lợi thế thương mại không cân bằng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Ông nói thêm, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khuyến nghị chính sách tương đồng với khuyến nghị mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra, và cũng nằm trong lộ trình chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành.

Ông cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp thêm thông tin cần thiết với phía Mỹ về vấn đề này.

“GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại”

Nêu câu hỏi tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đặt vấn đề việc việc “chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang vào hồi quyết liệt, vậy hành động của Việt Nam như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam, mà là mối quan tâm của cả thế giới.

“Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là một trong 4 đám mây bao phủ kinh tế thế giới; đã có dự báo nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhận định, về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ tác động tới Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng: Bộ Tài chính Mỹ kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Do đó, theo ông, Chính phủ đã lên kịch bản ngay từ khi cuộc chiến này bắt đầu nổ ra trong năm 2018, với các giải pháp như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư…

“Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu. Theo tính toán, GDP Việt Nam sẽ giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại”, Phó thủ tướng nói.

Ông lưu ý, hiện đang xuất hiện xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do đó chính sách thu hút đầu tư cần có chọn lọc hơn, ưu tiên, đảm bảo công nghệ hiện đại, môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cảnh giác việc hàng hoá thông qua Việt Nam, rồi xuất khẩu sang các nước để né thuế.

Kiên quyết bảo vệ ngư dân trên biển

Trả lời chất vấn về vấn đề Biển Đông hiện nay, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan điểm Việt Nam là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển, đảo; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực và không làm thay đổi nguyên trạng.

“Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên các vùng biển vẫn được thực hiện, các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ hoạt động kinh tế và ngư dân đánh bắt hợp pháp trên các vùng biển.

Chúng ta kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam bằng biện pháp ngoại giao, biện pháp cần thiết khác”, ông Minh nói.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) chất vấn về tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt giữ khi đánh cá ở khu vực biên chưa phân định và hỏi “Chính phủ có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân?”.

Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, vấn đề bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của nước ta.

“Chúng ta sẽ kiên quyết đấu tranh với các nước nếu họ bắt ngư dân của ta khi đánh cá trong vùng biển hợp pháp của ta”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, thời gian vừa qua, có một số ngư dân của nước ta bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định, cụ thể giữa Việt Nam và Indonesia.

Một số vụ đã xảy ra va chạm, mỗi lần như vậy, Bộ Ngoại giao đều trực tiếp trao đổi và phản đối với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và với đối tác ở Indonesia đòi thả ngư dân và đền bù”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong thời gian vừa qua cũng có những vụ ngư dân đi đánh cá tại những vùng biển, vùng đặc quyền của các nước.

Với những ngư dân này khi bị bắt Chính phủ cũng bảo lãnh công dân bằng cách thông qua thăm lãnh sự quán, thông qua việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng hợp lý và thả người.

Theo Phó Thủ tướng, để tránh việc ngư dân vi phạm cần phải hải tăng cường giáo dục, nhất là đối với ngư dân các tỉnh phía Nam để họ nắm rõ và tôn trọng luật pháp quốc tế.