Thông điệp bầu cử

Gần ba tuần nữa, ngày 25/1, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc. Đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương – cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm (2021 – 2025).
Ngày 2/3/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu.

Ngày 2/3/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I. (Ảnh tư liệu)

Đại hội là cơ sở chính trị để ngày 23/5 cử tri cả nước bầu đại biểu Quốc hội, HĐND, là cơ sở pháp lý cho bộ máy nhà nước cả Trung ương và địa phương nhiệm kỳ 2021 – 2026. Có thể nói, đây là hai sự kiện quan trọng bậc nhất trong đời sống chính trị đất nước trong năm 2021.

Vừa qua, hoạt động kỷ niệm 75 năm Tổng tuyển cử (6/1/1946 – 6/1/2021) được Trung ương và địa phương tổ chức trang trọng từ Bắc chí Nam. Trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử, ngày 31/12/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Chí Minh đã viết bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” đăng Báo Cứu quốc, khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái. Hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Thành công của cuộc bầu cử ngày 6/1/1946 không chỉ khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam: Từ thân phận nô lệ đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra Nhà nước của mình – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, bầu ra Quốc hội, thành lập Chính phủ chính thức và ban hành bản Hiến pháp 1946 mà còn mở ra một trang sử mới cho đất nước ta khi có một hệ thống chính quyền thống nhất, chính danh về mặt pháp lý, đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Trải qua chặng dài lịch sử, Quốc hội Việt Nam không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến nay, qua 14 nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), hàng trăm luật, bộ luật; tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Người dân đang gửi tới các lá phiếu khát vọng dân tộc Việt Nam hùng cường, đất nước vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong một thế giới đang vận động không ngừng, đầy thách thức. Truyền thống đoàn kết, vì dân, vì nước của Đảng và Quốc hội là nhân tố quan trọng dẫn dắt dân tộc, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phát triển phồn vinh và hạnh phúc.

 

Theo Ngô Đức Hành (Pháp Luật Việt Nam)

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thong-diep-bau-cu-d145510.html