Ảnh chụp vệ tinh cho thấy 2 máy bay Tu-160 đã hiện diện ở Venezuela. Ảnh: DigitalGlobe
Sự hiện diện của Tu-160 ở Venezuela không chỉ đơn thuần là thử nghiệm khả năng bay xa, vươn xa của máy bay ném bom chiến lược mà còn là câu trả lời của Nga cho Mỹ và NATO.
Chỉ cần hiện diện, không cần thể hiện
Trong những ngày vừa qua, giữa Mỹ và Nga bùng phát cuộc khẩu chiến khá quyết liệt về việc có hai chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga tới Venezuela. Nội dung cuộc khẩu chiến không đề cập gì đến mục đích và ý nghĩa chính trị cũng như quân sự của chuyện này.
Những phát biểu của phía Mỹ ẩn chứa lo ngại sâu sắc và bực bội về động thái này của Nga.
Giữa Mỹ và Nga từ khá lâu nay rồi không được êm thấm và yên lành trong quan hệ song phương và giữa Mỹ với Venezuela cũng vậy. Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí còn từng đã có lần công khai doạ sẽ can thiệp quân sự vào Venezuela để gia tăng áp lực đối với tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Mối quan hệ giữa Nga và Venezuela lại rất tốt đẹp và ông Maduro vừa có chuyến thăm Nga.
Tổng thống Maduro tới thăm Nga. Ảnh: RT
Vừa rồi không phải là lần đầu tiên mà cho tới nay Nga đã nhiều lần cho loại máy bay chiến lược đặc biệt kia bay tới khu vực Mỹ Latinh, chỉ riêng tới Venezuela đã có hai lần là năm 2008 và 2013.
Ở khu vực châu Âu, việc Nga cho máy bay Tu-160 bay tới tận sát biên giới các nước thành viên NATO đã trở nên không còn hiếm thấy nữa.
Trên danh nghĩa chính thức, Nga đưa máy bay Tu-160 lần này đến Venezuela là để cùng tham gia tiến hành một cuộc tập trận không quân chung giữa Venezuela và Nga, tức là chỉ rất ngắn hạn chứ không phải để đồn trú lâu dài ở Venezuela.
Có người đã vội vàng cho rằng vì cuộc khẩu chiến nói trên mà hàm ý là vì thái độ của Mỹ mà Nga đã nhanh chóng cho hai chiếc máy bay này về nước.
Trên thực tế và trong thực chất không phải như vậy bởi cái Nga cần và muốn đạt được với động thái này là sự hiện diện của máy bay Tu-160 chứ không phải là việc thể hiện những tính năng chiến lược của loại vũ khí đặc biệt này ở Venezuela.
Thông điệp ẩn ý của Nga
Trước tiên và cũng dễ nhận thấy nhất là chủ ý của Nga thể hiện mối quan hệ gắn bó và tin cậy của Nga với Venezuela, khẳng định sự hậu thuẫn về chính trị, kinh tế và về quân sự, an ninh trong trường hợp cần thiết cho Venezuela.
Máy bay Tu-160 là loại vũ khí chiến lược của Nga, có khả năng đem theo vũ khí hạt nhân và tên lửa hành trình, bay thẳng từ Nga sang Venezuela mà không cần phải tiếp nhiên liệu trên không hoặc dừng ở đâu đó để tiếp nhiên liệu.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga. Ảnh: Sputnik
Trong chừng mực ấy, chuyến bay của hai chiếc “Thiên nga trắng” này như theo biệt danh của máy bay Tu-160 phát đi thông điệp đầy ẩn ý của Nga về phía Mỹ trong bối cảnh tình hình hiện tại và có tác động trực tiếp nhất định tới diễn biến hiện tại và cả tới đây trong mối quan hệ giữa Mỹ và Venezuela.
Trung và Nam Mỹ xưa nay luôn được Mỹ coi là “sân sau”. Khu vực này không còn được một số người tiền nhiệm của ông Trump và cả ông Trump hiện tại coi trọng như ở thời xưa, nhưng dù vậy Mỹ vẫn không muốn có kẻ khác tiếp cận, chinh phục và gây dựng phạm vi ảnh hưởng, càng không muốn kẻ ấy là những đối thủ như Nga hay Trung Quốc.
Ông Trump đang có ý định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã ký kết với Liên Xô năm 1987. Mỹ còn đưa ra tối hậu thư 60 ngày cho Nga là nếu Nga không tuân thủ nghiêm chỉnh INF thì Mỹ sẽ huỷ bỏ INF.
Cả NATO cũng hùa theo Mỹ và mở ra khả năng tạo điều kiện cho Mỹ lại triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung trên lãnh thổ một số nước thành viên NATO ở khu vực láng giềng xung quanh Nga.
Trong bối cảnh tình hình ấy, sự hiện diện của những con Thiên nga trắng này ở Venezuela không chỉ đơn thuần là thử nghiệm của Nga về khả năng bay xa, vươn xa của máy bay ném bom chiến lược của Nga mà còn là câu trả lời của Nga cho Mỹ và NATO.
Câu trả lời của Nga cho Mỹ là Nga không cần có căn cứ quân sự ở “sân sau của Mỹ” mà vẫn có khả năng trong thời gian rất ngắn triển khai tên lửa hạt nhân ở rất gần nước Mỹ. INF chế tài tên lửa hạt nhân tầm trung mà tên lửa hạt nhân tầm trung của Nga đâu có trực tiếp đe doạ nước Mỹ nhưng với máy bay Tu-160 thì Nga có thể đưa tên lửa hạt nhân đến rất gần nước Mỹ.
Câu trả lời của Nga cho NATO là Nga không chỉ sẵn sàng chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ nếu Mỹ đơn phương huỷ bỏ những thoả thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân hay giải trừ quân bị như INF hay START đang có hiệu lực giữa Mỹ và Nga mà việc chạy đua vũ trang hạt nhân này còn có thể lợi bất cập hại như thế nào đối với cả NATO nên Nga sẽ không đếm xỉa gì tới tối hậu thư của Mỹ và điều kiện của NATO.
Thế đấy, chuyện không phải là tiền lệ mà lại có thể có được ý nghĩa và tác động như tiền lệ mới đối với Nga.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại