Thời tiết giao mùa, nhiều trẻ em nhập viện do mắc cúm

Những ngày trung tuần tháng 3/2023, theo báo cáo của các cơ sở y tế trong tỉnh, tình trạng trẻ em nhập viện gia tăng khá cao với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi không chịu chơi, ăn uống kém, có một số trẻ xuất hiện cơn giật trong cơn sốt cao…. Trong số đó phần lớn là trẻ em mắc cúm, gồm cúm A, cúm B và cúm virus hợp bào hô hấp RSV.

Thời tiết giao mùa, nhiều trẻ em nhập viện do mắc cúm

Khám bệnh cho trẻ mắc cúm tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh.

Tại Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh, gần chục ngày nay, mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 200-250 trẻ em đến thăm khám do gặp các vấn đề về sốt, viêm đường hô hấp và tiêu hóa, tăng cao so với trước đó gấp gần 3 lần. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh cho biết: Tính từ đầu tháng 3 đến nay, lượng bệnh nhân liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa, với các triệu chứng nôn, sốt, tiêu chảy, đau họng, ho… ở trẻ em tăng nhiều tại bệnh viện. Số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú dao động từ 600-700 trẻ.

Trong đó chiếm 2/3 là trẻ mắc các bệnh cúm như: cúm A, cúm B và cúm virus hợp bào hô hấp RSV. Nhiều trẻ bị mắc bệnh kèm theo các yếu tố làm bệnh nặng lên dẫn đến trẻ phải nhập viện như: Viêm phổi do vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, trẻ có tiền sử sốt cao co giật… Trẻ mắc bệnh phần lớn dưới 5 tuổi, thậm chí có cả ở trẻ sơ sinh…

Để không xảy ra tình trạng quá tải, bệnh viện bố trí thêm cán bộ y, bác sĩ các khoa nội trú; tích cực khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân đối với từng loại và diễn biến bệnh để điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà; tư vấn, hướng dẫn khi có vấn đề về sức khỏe có thể gọi trực tiếp đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời…

Tại nhiều trường học, nhất là các trường mầm non, nhóm trẻ, số học sinh nghỉ ốm do mắc các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Có những lớp độ tuổi nhà trẻ, trong các trường mầm non, các nhóm lớp, cơ sở mầm non tư thục, số trẻ nghỉ học do ốm chiếm đến gần 1 nửa lớp. Các em nghỉ ốm được cha mẹ thông báo lại phần lớn là mắc các bệnh truyền nhiễm theo mùa như cúm, ho, sốt cao, viêm phổi, mệt mỏi…

Cô giáo Trần Thị Mai, giáo viên nhóm lớp 3 tuổi ở một cơ sở mầm non tư thục, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Một tuần gần đây, tỷ lệ sĩ số đến lớp của trẻ chỉ đạt khoảng hơn 1 nửa. Nguyên nhân là nhiều trẻ mắc bệnh cúm A, rồi lây lan sang nhau. Chúng tôi đã tăng cường cho công tác vệ sinh trường, lớp, phun thuốc muỗi, hóa chất khử trùng, đảm bảo các điều kiện về ăn, ở sạch sẽ cho trẻ. Đồng thời nắm bắt thông tin, nhắc nhở cha mẹ theo dõi sức khỏe của con, khi có dấu hiệu mắc bệnh cần cách ly ở nhà, không để lây nhiễm chéo cho các trẻ trong lớp học.

Thời tiết giao mùa nhiều trẻ em nhập viện do mắc cúm
Đảm bảo bữa ăn bán trú đủ chất, vệ sinh, an toàn, góp phần nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

 

Chị Mai Hương Liên, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Tôi có con gái 2 tuổi, qua tìm hiểu được biết, thời điểm giao mùa xuân-hè hiện nay rất dễ làm trẻ em bị ốm. Buổi sáng và tối trời se lạnh, trưa thì có ngày nắng nóng như mùa hè. Ngoài cho con mặc quần áo phù hợp theo thời tiết, tôi chú ý về chế độ ăn uống cho con; thường xuyên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi sạch sẽ, để nơi khô thoáng. Tôi cũng tuân thủ lịch tiêm chủng đối với các mũi vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo hướng dẫn của y tế phường, đồng thời tiêm dịch vụ các mũi vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm theo mùa nhằm nâng cao sức đề kháng cho con.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh cho rằng: Nguyên nhân trẻ nhỏ bị cúm tăng đột biến là do khí hậu thay đổi thất thường, độ ẩm không khí tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các virus lây truyền qua đường hô hấp phát triển nhanh, trong khi trẻ em dưới 5 tuổi miễn dịch kém. Cùng với đó là cách chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình chưa phù hợp, vệ sinh chưa tốt, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm… dẫn đến trẻ bị nhiễm vi khuẩn. Hơn nữa, công tác tiêm phòng cho trẻ trong phòng chống các bệnh về đường hô hấp chưa được cha mẹ trẻ quan tâm và đạt tỷ lệ chưa cao.

Cũng theo bác sĩ Ngọc, bệnh cúm nói chung, cúm A nói riêng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông-xuân, xuân-hè, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh gây ra bởi các chủng của virus cúm A và lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Các triệu chứng điển hình của bệnh gồm: Ho, đau đầu; sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng; sốt cao trên 38.5 độ và kéo dài; cơ thể mệt mỏi, đau nhức xương, cơ nặng, tê bì chân tay; buồn nôn, nôn mửa (thường thấy ở trẻ em); nhiều khi bệnh nặng sẽ có cảm giác khó thở, viêm phổi… Cúm A là một loại cúm mùa phổ biến với cả người lớn và trẻ nhỏ. Thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường và độ ẩm không khí cao như hiện nay đang là môi trường thuận lợi để cúm A phát triển mạnh, thậm chí có nguy cơ bùng lên thành dịch.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh theo mùa, ngành Y tế đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân, chủ động tiêm vắc xin cho những loại bệnh đã có thuốc dự phòng; tăng cường giám sát phát hiện điểm nguy cơ có thể bùng phát dịch. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, phòng ngừa diễn tiến nặng của bệnh, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cúm cần được đưa đến cơ quan y tế đủ tin cậy để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh trường hợp để bệnh quá nặng hoặc tự mua thuốc kháng sinh điều trị dẫn đến nguy cơ kháng thuốc và không đúng phác đồ điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thoi-tiet-giao-mua-nhieu-tre-em-nhap-vien-do-mac-cum/d20230320174856743.htm