Một người dân Trung Quốc làm đậu phụ bằng công cụ truyền thống. Ảnh chụp năm 2005. Nguồn: Getty Images
Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm đã khiến Trung Quốc mất 20 triệu tấn thịt lợn và do đó người dân bắt đầu tìm các loại “thịt” khác để sử dụng.
Theo một nghiên cứu của Fitch Solutions – đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng dịch vụ tài chính Fitch Group, nhu cầu tiêu thụ “thịt chay” (hay sản phẩm giả thịt) của Trung Quốc đang tăng cao giữa những mối quan ngại rằng nguồn cung cấp nội địa không đủ để đáp ứng người dân.
Các loại sản phẩm thay thế thịt được làm từ đậu phụ hoặc “seitan” (loại đồ ăn có thành phần chính là bột mì, giàu đạm thực vật và được dùng thay thế thịt). Một số nơi còn gọi là “thịt rau” bởi thực phẩm này có bề ngoài giống thịt nhưng được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thực vật.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi đã khiến nguồn cung thịt ở nước này sụt giảm nhanh chóng.
Tả lợn châu Phi là loại bệnh dễ lây lan và đặc biệt nguy hiểm với các đàn lợn. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNFAO), Trung Quốc đã phải tiêu hủy 1,17 triệu con lợn vì dịch tả này.
Giữa bối cảnh nguồn cung cấp giảm mạnh, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu thêm thịt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, “các phương án thay thế cũng đang được nghiên cứu và khuyến khích” – báo cáo của Fitch viết.
Thịt chay là một trong những lựa chọn thay thế đang được chú ý.
Ảnh minh họa: Getty Images
Hồi năm 2018, ngành công nghiệp sản xuất “thịt” nguồn gốc thực vật của Trung Quốc trị giá 910 triệu USD – tăng 14,2% so với năm trước đó, theo số liệu từ Viện nghiên cứu Good Food của Mỹ. Trong khi đó, thị trường này ở Mỹ chỉ đạt 684 triệu USD.
Một số chuyên gia nhận định rằng dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng “tích cực” đối với ngành công nghiệp thịt thay thế ở Trung Quốc. Dịch bệnh nguy hiểm đã khiến Trung Quốc mất 20 triệu tấn thịt lợn và do đó người dân bắt đầu tìm các loại thịt khác để sử dụng.
“Tôi nghĩ các nguồn protein thay thế, thịt thay thế sẽ phát triển mạnh tại đây,” một chuyên gia trả lời CNBC.
Theo Fitch Solution, văn hóa là yếu tố có vai trò quan trọng trong xu hướng sử dụng thịt chay ở Trung Quốc. Một số người cho rằng người Trung Quốc đã bắt đầu ăn thịt chay từ thời nhà Đường – tức là hơn 1.000 năm trước.
“Xu hướng dùng thịt chay có thể coi là bước tiếp nối trong truyền thống Trung Quốc chứ không phải là một sự phát triển hoàn toàn mới,” báo cáo viết.
Vấn đề môi trường, đạo đức và y tế cũng đóng góp một phần lớn trong nhu cầu dùng thịt chay tăng cao ở Trung Quốc.
Thế hệ trẻ Trung Quốc và những người ăn chay có thể sẽ dẫn đầu xu hướng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ cần một khoảng thời gian trước khi xu hướng này phổ biến hơn và thịt chay sẽ không bao giờ có thể thay thế được thịt lợn thật.
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng cao kỉ lục. Năm 2018, riêng Trung Quốc đã chiếm tới 46% lượng thịt lợn được tiêu thụ trên thế giới.