Hình ảnh chiến sĩ công an điển trai, đôn hậu với bộ quân phục xanh lá mạ ôm đàn ngồi giữa các em học sinh khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, anh cảnh sát giao thông bất đắc dĩ hiên ngang đứng phân luồng giao thông giờ tan tầm trên đường Thanh Bình (Hà Đông), hay chàng shipper lam lũ, cần mẫn chở chổi đi giao đã quá đỗi thân thương và hằn sâu trong lòng mỗi người dân Hà Nội.
Và lý do khiến anh làm những công việc lặng thầm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này càng khiến chúng ta trân trọng hơn!
Chiến sĩ công an toàn diện…
Người mà tôi muốn nói tới chính là Thiếu tá Trần Anh Tuấn – Cán bộ Phòng Quản lý học viên, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Trần Anh Tuấn sinh năm 1981 trong một gia đình viên chức ở Hà Nội. Từ nhỏ, cậu bé đã mơ ước trở thành chiến sĩ công an để được cống hiến, giúp đỡ, bảo vệ mọi người và làm những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, xã hội. Từ suy nghĩ, quan điểm sống ấy, sau khi vào công tác tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, chàng trai đã thỏa sức với đam mê và mơ ước bấy lâu nay…
Công tác tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy từ năm 2007 đến nay, Thiếu tá Trần Anh Tuấn luôn phấn đấu và nỗ nực hết mình để trở thành một chiến sĩ công an toàn diện trên mọi lĩnh vực. Ở bất cứ vị trí nào (từ cán bộ Đoàn, cán bộ điều lệnh quân sự võ thuật, trợ lý chính trị hay giáo viên chủ nhiệm…), anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được lãnh đạo, đồng nghiệp, học viên yêu quý, tôn trọng… Bản thân anh cũng rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện và có nhiều việc làm thiết thực trong việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Năm 2014, khi vào thăm các bé khiếm thị đang học tập tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Tuấn nhận thấy các em rất thích âm nhạc nên anh đã tự nguyện đến đây 1 tuần/buổi dạy các em chơi đàn guitar với hy vọng âm nhạc sẽ trở thành người bạn thân thiết với trẻ em khiếm thị.
Qua âm nhạc, các em sẽ có nhiều người bạn hơn, được giao lưu, hòa nhập với những người xung quanh. Cũng qua âm nhạc, các em sẽ bộc lộ năng khiếu của mình, mang niềm vui đến cho nhiều người hơn bằng âm nhạc, thậm chí mưu sinh bằng âm nhạc. Với sự nhiệt tình giảng dạy và bầu nhiệt huyết của anh, lớp học ngày càng đông hơn, các em đã tự tin, vươn lên, nhiều em đỗ vào Học viện âm nhạc quốc gia, trở thành những nghệ sĩ thực thụ, có ích cho xã hội…
Cũng trong khoảng thời gian này, trên đường đi làm về gặp cảnh ùn tắc giao thông tại đoạn đường Thanh Bình (trên đường Lê Văn Lương rẽ vào), Thiếu tá Trần Anh Tuấn tình nguyện xuống đường phân làn giúp các phương tiện di chuyển, tránh ùn tắc. Cũng từ đó, trên đoạn đường này, vào giờ đó, người ta luôn bắt gặp anh cảnh sát giao thông đẹp trai hiên ngang đứng phân làn, hướng dẫn người tham gia giao thông qua lại, bất kể nắng hay mưa…
Trong một lần phân làn giao thông trên đường Thanh Bình, anh Tuấn có cơ duyên gặp gỡ vợ chồng anh Nhất – chị Thu (làng Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị bại não từ bé đang nặng nề đẩy chiếc xe chở đầy chổi lên một con dốc nhỏ. Không ngại ngần anh lao vào giúp đỡ họ. Hình ảnh đó in hằn trong tâm trí, khiến anh vô cùng ấn tượng và xúc động. Với suy nghĩ: Họ là người khuyết tật mà vẫn tự khẳng định mình để vươn lên và kiếm sống bằng chính sức lao động của mình thật đáng trân trọng, nên anh đã tìm mọi cách giúp đỡ.
Tìm hiểu anh được biết, cả nhà họ chỉ trông chờ vào khoản tiền 50.000 đồng bán chổi mỗi ngày, trong khi rất nhiều việc cần đến tiền nên anh đã suy nghĩ, tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm tăng thu nhập cho hai vợ chồng. Qua mạng xã hội, anh đã vận động đồng đội, những người thân trong gia đình, bạn bè… mua chổi giúp vợ chồng họ. Khi đã có đơn đặt hàng, sau khi đi làm về, Tuấn lại tranh thủ đi ship chổi cho họ. Biết anh làm công việc này, nhiều người bảo anh hâm, làm việc bao đồng, nhưng anh chỉ cười. Có hôm đi ship chổi đường tắc anh tránh lên vỉa hè bị lực lượng trật tự phường nhắc nhở, những người bán hàng rong nhiếc móc, xỏ xiên vì sợ chiếm chỗ… nhưng anh vẫn tủm tỉm cười tiếp tục công việc của mình. Bởi hơn hết, anh luôn mong muốn truyền đi thông điệp: “Chiến sĩ công an nhân dân sẵn sàng làm bất cứ việc gì, miễn là giúp ích cho người dân” và mong muốn xã hội quan tâm hơn nữa đến người khuyết tật đang rất khó khăn và cần sự giúp đỡ.
Lúc đầu làm những công việc mà nhiều người cho là “vô bổ” đó, cha mẹ anh sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của con nên cũng khuyên can nhưng anh vẫn kiên định với con đường mình đã chọn. Anh động viên: “Bố mẹ hãy coi đây cơ hội cho con thể hiện đúng tâm nguyện của mình, được giúp đỡ người khác cũng như phục vụ nhân dân”. Cùng với việc động viên người thân, anh cũng phải thuyết phục họ bằng cách lo chu toàn công việc gia đình, hoàn thành tốt công việc, trách nhiệm với cơ quan…
Cháy hết mình vì… cộng đồng!
Lúc mới mở lớp dạy đàn guitar, Thầy Tuấn chỉ mong muốn tạo ra một sân chơi, đem lại niềm vui, sự tự tin cho trẻ em khuyết tật, khi các tay đàn đã cứng, anh lại muốn gieo tư tưởng các em vẫn là người có ích cho xã hội bằng việc triển khai chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện. Bệnh viện đầu tiên chương trình hướng tới là Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (năm 2016), sau đó lan tỏa sang các bệnh viện khác. Khác với các hoạt động, nhóm nhạc khác ở chỗ các nghệ sĩ, ca sĩ đều là trẻ khiếm thị. Bằng lời ca, tiếng hát, bản nhạc, chương trình không những giúp các bé khiếm thị thấy mình vẫn có ích cho xã hội, về phần bệnh nhân, họ cũng sẽ phấn chấn hơn khi chứng kiến những bé khuyết tật mà vẫn lạc quan, yêu đời. Sự vui vẻ, nhiệt huyết đó đã truyền những năng lượng tích cực đến cho mọi người, giúp bệnh nhân mau khỏe.
Từ khi mới về công tác tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Trần Tuấn Anh đã khởi xướng, thành lập Câu lạc bộ guitar. Từ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, phong trào chơi guitar dần lan rộng sang các trường công an nhân dân và anh trở thành người đỡ đầu cho các câu lạc bộ guitar trong lực lượng công an.
Không chỉ vậy, anh còn lan tỏa hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện cho các sinh viên trong trường và coi đây là những tiết học ngoại khóa rất cần thiết để giáo dục ý thức phục vụ nhân dân ngay còn đang học trên ghế nhà trường. Mỗi lần đến bệnh viện, anh đều kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức tặng quà cho các bệnh nhân nặng, nhất là trong dịp Tết để họ vơi đi nỗi nhớ nhà và nỗi đau bệnh tật.
Ngoài ra, anh cũng liên kết với các đồng nghiệp ở các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm hiểu, kết nối xây dựng các điểm trường, tạo điều kiện cho các em nhỏ được đến trường. “Các hoạt động ý nghĩa này không chỉ thể hiện tâm nguyện của bản thân, mà còn thể hiện tấm lòng của các chiến sĩ công an nhân dân luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp cho xã hội, cộng đồng!” – Thiếu tá Trần Anh Tuấn xúc động cho hay.
Chia sẻ về những công việc lặng thầm nhưng vô cùng ý nghĩa của mình, Thiếu tá Trần Anh Tuấn cho biết: Tất cả những việc anh đã, đang và sẽ làm xuất phát từ tấm lòng, tâm huyết của bản thân. Và anh sẽ duy trì, cố gắng làm tốt, một cách thật thiết thực để mọi người thấy được những năng lượng tích cực, cảm nhận được cuộc sống đầy tốt đẹp.
Bên cạnh đó, anh cũng sẽ hướng dẫn cho các đoàn viên, sinh viên kỹ năng ứng xử, giao tiếp, giúp đỡ những người yếu thế đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhằm khơi gợi, xây dựng, phát huy truyền thống “tương thân tương ái, vì nhân dân phục vụ” trong nhà trường. Mục đích cuối cùng của anh là xây dựng thật nhiều hình ảnh đẹp của chiến sĩ công an trong mắt nhân dân!
Theo Thiếu tá Trần Anh Tuấn, cơ chế thị trường đồng tiền tác động, không phải ai cũng làm thiện nguyện đúng mục đích. Thực tế, nhiều người làm thiện nguyện không khoa học, không chuẩn mực rất dễ sai sót, vì thế anh luôn luôn nhắc mình phải hết sức cẩn thận. VD: Đối với hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện, anh phải vào từng khoa, phòng, tìm hiểu xem có bao nhiêu bệnh nhân, tương đương bao nhiêu suất quà, sau đó mới huy động, vận động các mạnh thường quân. Ai ủng hộ ghi tên họ luôn trên phong bì, thậm chí mời họ đến trao trực tiếp cho bệnh nhân.
Vì các khoản chi tiêu đều công khai, minh bạch, tặng cho đúng đối tượng nên rất nhiều người hưởng ứng, đồng tình ủng hộ. Có người còn rủ cả con, cháu tham gia nhằm giáo dục và lan tỏa truyền thống nhân văn tốt đẹp này cho cả gia đình, dòng họ…
Nói về ước mơ và công việc mình mong muốn làm trong thời gian tới, Anh Tuấn cho biết, ước mơ của anh là trở thành một lương y chữa bệnh cứu người. Để dần biến ước mơ thành hiện thực, anh xúc tiến học các phương pháp bấm huyệt chữa bệnh không dùng thuốc.
Nhờ sự thông minh, chịu khó, ham học hỏi, anh đã giúp rất nhiều bệnh nhân hậu Covid-19 trị chứng mất ngủ, đau đầu, khó thở, đau vai gáy… bằng phương pháp Đông y đơn giản, không tốn kém. Còn rất nhiều người khó khăn cần giúp đỡ, những công việc có ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội đang chờ đợi Thiếu tá Trần Anh Tuấn ở phía trước và bản thân anh sẽ luôn nỗ lực, cố gắng nhằm lan tỏa, nhân lên những việc làm ý nghĩa cho cuộc đời./.
Ngày 3/5/2016, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã gửi thư khen ngợi đồng chí Trần Anh Tuấn – Cán bộ Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Tổng cục Chính trị Công an nhân dân có hình thức khen thưởng đối với đồng chí Trần Anh Tuấn, đồng thời phát động phong trào học tập, nhân rộng các gương “điển hình tiên tiến”, gương “người tốt, việc tốt” trong Công an nhân dân; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân” trong toàn lực lượng…
Theo Đoan Trang (Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam)
https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thieu-ta-tran-anh-tuan-chien-si-cong-an-dep-hon-trong-mat-nguoi-dan-d181886.html