Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2023: Chuẩn bị tốt hành trang cho học sinh

Thời điểm này, học sinh lớp 12 trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung cao ôn tập, vận dụng mở rộng kiến thức, đáp ứng tốt các phương thức xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2023.

Đa dạng phương án tuyển sinh

Hiện nay, việc học tập, ôn thi của học sinh lớp 12 có nhiều thay đổi dựa theo các phương thức xét tuyển của các trường đại học. Cả nước đã có hơn 80 trường đại học công bố đề án tuyển sinh năm 2023 với nhiều điểm mới theo hướng mở rộng các hình thức đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, kỳ thi riêng của Bộ Công an. Kết quả các kỳ thi riêng của các trường này được một số trường đại học sử dụng để xét tuyển.

Giờ học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường THPT Yên Thế.

Ví như năm 2023, Trường Đại học Thương mại dự kiến thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Như vậy, Đại học Thương mại sẽ xét tuyển theo 8 phương thức, trong đó có 7 phương thức đã sử dụng từ năm 2022. Trường sẽ tăng chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển kết hợp và giảm 10% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh bằng 4 phương thức.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 17,4 nghìn học sinh lớp 12. Mục tiêu của các trường THPT là triển khai chương trình giảng dạy đáp ứng yêu cầu vừa tốt nghiệp THPT, vừa đáp ứng các phương thức xét tuyển của các trường đại học để không bỏ lỡ cơ hội vào các trường theo nguyện vọng.

Trong đó dành 25% chỉ tiêu cho thi tốt nghiệp THPT (giảm 10% so với năm 2022), sử dụng kết quả đánh giá năng lực là 20%, còn lại dành cho các phương thức xét tuyển kết hợp. Nhiều trường giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bố trí 65% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, giảm 7% so với năm ngoái. Một số trường tăng chỉ tiêu tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ Anh ngữ quốc tế: Đại học Xây dựng, Ngoại thương, Ngoại giao.

Tăng cường kiểm tra đánh giá năng lực học sinh

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 17,4 nghìn học sinh lớp 12. Mục tiêu của các trường THPT là triển khai chương trình giảng dạy đáp ứng yêu cầu vừa tốt nghiệp THPT, vừa đáp ứng các phương thức xét tuyển của các trường đại học để học trò không bỡ lỡ cơ hội vào các trường theo nguyện vọng. Bởi vậy, nhiều trường đã thay đổi cách thức ôn tập, nhất là ở các môn thuộc khối xét tuyển đại học.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Ngoài việc tổ chức ôn tập giúp học sinh thi tốt nghiệp đạt kết quả cao làm căn cứ xét tuyển đại học thì năm nay, giáo viên phải nghiên cứu thêm nhiều nội dung mở rộng liên quan đến tình hình KT-XH của đất nước cũng như thế giới để bổ trợ kiến thức cho học sinh tham gia các kỳ đánh giá năng lực của nhiều trường đại học. Dù bằng hình thức tuyển sinh nào thì đều dựa trên nền tảng nội dung chương trình học. Các em cần bám sát chuẩn kiến thức, nâng cao kỹ năng vận dụng, suy luận liên môn để đáp ứng tốt các kỳ thi. Trong học kỳ II, các nhà trường tiếp tục bù đắp kiến thức, tạo nền tảng vững chắc, phát huy năng lực cho từng em vững vàng bước vào kỳ tuyển sinh đại học sắp tới.

Cô và trò Trường THPT Việt Yên số 1 trong giờ học.

Trường THPT Việt Yên số 1 có 500 học sinh lớp 12. Nhà trường tổ chức cho các em ôn tập vào các buổi chiều trong tuần theo tổ hợp môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội do học sinh lựa chọn. Đồng thời khuyến khích các em chủ động tìm kiếm thêm tài liệu, thành lập các nhóm trao đổi học tập để củng cố kiến thức. Cô giáo Nguyễn Thị Phú, Phó Hiệu trưởng cho biết: “Căn cứ vào kết quả học tập cuối học kỳ I và thông qua khảo sát, nhà trường phân loại từng đối tượng học sinh để có phương án ôn tập tốt nhất. Đối với những em có lực học kém hơn, giáo viên sẽ tăng cường phụ đạo miễn phí. Học sinh khá giỏi được gợi mở để phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu mở rộng kiến thức đáp ứng tốt các phương thức tuyển sinh hiện nay”.

Đặc biệt, nhiều trường chú trọng nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, giúp các em học thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Trong các giờ Tiếng Anh, giáo viên tập trung cao luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết về các chủ đề mang tính thời sự, kinh tế, văn hoá, xã hội trong nước và quốc tế. Những em lực học nổi trội ở môn học này thường tự học, tự tìm tài liệu, làm bài tập tại nhà, tham khảo bài giảng trên mạng và đăng ký học trực tuyến tại các trung tâm Anh ngữ. Bằng sự nỗ lực, một số em đã có chứng chỉ IELTS từ 7. trở lên.

Tuy nhiên, để cùng lúc vừa học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tham gia đánh giá năng lực, đáp ứng các phương thức xét tuyển của nhiều trường đại học làm tăng áp lực với thí sinh. Cô giáo Đoàn Thị Hải Yến giảng dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) cho biết: “Các em phải có phương pháp học tập hiệu quả, lộ trình ôn tập cụ thể để chủ động củng cố kiến thức còn thiếu”.

Thời điểm này, Sở GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo các trường tăng cường kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học, cách thức tổ chức ôn tập. Đặc biệt quan tâm đối chiếu kết quả học tập của học sinh qua các bài kiểm tra để đánh giá sát năng lực, sự tiến bộ cũng như hạn chế về nhận thức, kỹ năng làm bài của các em ở từng môn học. Từ đó kịp thời điều chỉnh kế hoạch giảng dạy bám sát chương trình và mở rộng kiến thức phù hợp, đồng thời phân công, bố trí giáo viên có chuyên môn sâu tham gia bồi dưỡng các chuyên đề trọng tâm trong chương trình lớp 12.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Báo Bắc Giang: http://m.baobacgiang.vn/bg/giao-duc/399697/thi-tot-nghiep-thpt-va-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2023-chuan-bi-tot-hanh-trang-cho-hoc-sinh.html