Thêm sân chơi hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam

Theo “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” của Bộ Giáo dục và Đào tạo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Cụ thể, đến năm 2020, 100% các trường đại học, học viện, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; có ít nhất 90% học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp.

66,6% sinh viên Việt Nam hiện chưa hề biết các hoạt động khởi nghiệp

Đó là số liệu của một khảo sát. Số lượng sinh viên biết đến các chương trình khởi nghiệp chỉ đạt 33,4% và thực tế số lượng sinh viên hàng năm tham gia các chương trình khởi nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khởi xướng chỉ đạt 0.016%.

Thêm sân chơi hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia đánh giá tỷ lệ khởi nghiệp ở sinh viên còn thấp, phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học đều có xu hướng nộp đơn tuyển dụng vào các doanh nghiệp đang hoạt động, chỉ có một số ít muốn khởi nghiệp bằng việc tự kinh doanh.

Lý giải cho tình trạng chỉ thích làm thuê, không thích làm chủ của sinh viên, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông và đại học hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu kiến thức về khởi nghiệp tại Việt Nam; giáo trình chú trọng vào lý thuyết, chưa đề cao tính thực hành và kiến thức thực tiễn.

Trên thị trường cũng đang thiếu những đơn vị đào tạo về khởi nghiệp dành cho sinh viên đại học và các dịch vụ công cụ hỗ trợ khởi nghiệp. Do đó, nhiều sinh viên hiện nay thiếu kiến thức, thiếu tự tin và thiếu tầm nhìn cần thiết để có thể bắt tay khởi nghiệp kinh doanh.

Những lý do này đã dẫn đến thực tế, mỗi năm có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp, nhưng có đến 225.000 sinh viên không tìm được việc làm. Theo số liệu khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp của Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, hầu hết sinh viên mới tốt nghiệp trong nước chưa đáp ứng được kỳ vọng của hoạt động khởi nghiệp.

GenX thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ – Bộ KHCN khẳng định: “Phong trào khởi nghiệp cho sinh viên hiện nay có rất nhiều điểm sáng. Nhiều trường có sáng kiến đưa doanh nhân vào trường đại học, không chỉ là giáo dục, hướng nghiệp mà còn giúp họ xây dựng những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, đặc biệt là khai thác thế mạnh về công nghệ thông tin, IOT, phần mềm. Hướng đi này rất phù hợp với xu hướng thế giới hiện nay”.

Thêm sân chơi hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam - Ảnh 2.

Trường Đại học Hoa Sen, một ngôi trường trẻ về tinh thần cũng như mang trong mình một tầm nhìn quốc tế, luôn muốn được chuyển mình với những ý tưởng đột phá, sáng tạo. Với mong muốn thúc đấy thế hệ sinh viên trẻ trong việc khơi gợi ý tưởng kinh doanh, Đại học Hoa Sen đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp Gen X. Đây được coi là một dự án tiên phong trong năm 2018, nhằm tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có cơ hội được “hiện thực hóa ý tưởng” với nhà đầu tư thật, nguồn vốn thật và một tầm nhìn chiến lược hiệu quả.

BIGFund ra đời nhằm xây dựng một nền tảng hỗ trợ vững chắc cho các startup về kĩ năng khởi nghiệp và kêu gọi nguồn vốn đầu tư hiệu quả. Là đơn vị đồng hành của cuộc thi GenX, BIGFund mong muốn tạo bước đệm và những kỹ năng cần thiết cho ý tưởng phát triển sự nghiệp của các bạn trẻ, qua đó thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam.

BIGFund có mạng lưới liên kết với các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đến từ Dubai, Hoa Kỳ, Hà Lan, Phần Lan, Singapore, Malaysia, Hong Kong… Ngoài ra, BIGFund còn sở hữu đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong mọi lĩnh vực, giúp startup có những hướng đi đúng đắn, có cái nhìn chính xác nhất về ngành nghề mà họ muốn khởi nghiệp. Với những nguồn lực đó, BIGFund luôn sẵn sàng tiếp bước cho sự thành công của những startup sinh viên dám nghĩ – dám làm – dám thực hiện mơ ước.