“Thế giới tươi sáng, hãy cứu lấy thị giác của bạn”

Đó là chủ đề của tuần lễ Glôcôm thế giới (12 – 18/3/2023) năm nay. Bệnh Glôcôm (còn gọi là thiên đầu thống) là một nhóm các rối loạn liên quan đến mắt, dẫn đến tổn thương dây thần kinh thị giác của mắt. Đây là nguyên nhân thứ 2 gây mù lòa tại Việt Nam (sau đục thể thủy tinh), là mối đe dọa thị lực của bệnh nhân bởi bệnh diễn biến rất nhanh, không có khả năng phục hồi thị lực đã mất. Vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm, điều trị và thăm khám để làm chậm tiến triển bệnh là rất quan trọng.

Tất cả người dân trên 40 tuổi đến Bệnh viện Mắt Bắc Ninh khám đều được chỉ định đo nhãn áp nhằm phát hiện sớm bệnh Glôcôm.

 

Bà Nguyễn Thị Chương (thôn Mẫn Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong) đã phẫu thuật mắt trái bị Glôcôm từ năm 2022 khi có các biểu hiện cấp tính của bệnh như đau đầu, nhức mắt, buồn nôn, nhìn mờ, sợ ánh sáng. May mắn đến viện kịp thời nên bà không bị mất đi thị lực. Nghe các bác sĩ tư vấn bệnh có yếu tố di truyền và có thể tái phát, người bệnh sau khi điều trị cần tái khám định kì hoặc chủ động khám lại khi có biểu hiện bất thường ở mắt. Vì vậy, mặc dù chưa có triệu chứng đau đầu, chóng mặt nhưng ngay khi mắt phải bị đau nhói, nhìn mờ, bà Chương đã đến Bệnh viện Mắt Bắc Ninh để được thăm khám và chẩn đoán tiếp tục xuất hiện Glôcôm ở mắt còn lại. Sau khi được điều trị bằng thuốc 2 ngày, bà chuẩn bị được phẫu thuật để điều trị Glôcôm để bảo toàn thị lực hiện tại.

Bên cạnh nguyên nhân do yếu tố di truyền thì một trong những vấn đề đáng báo động hiện nay là tình trạng người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoid để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc. Điều này có thể dẫn đến mắt bị Glôcôm nếu người bệnh dùng thuốc trong thời gian dài mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, người trên 40 tuổi, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, người có nhãn cầu nhỏ hoặc dễ xúc cảm, lo âu…là cơ địa thuận lợi để xuất hiện Glôcôm.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Khôi – Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Bắc Ninh cho biết, hiện tất cả người dân trên 40 tuổi khi đến Bệnh viện khám đều được chỉ định đo nhãn áp để tầm soát và sàng lọc phát hiện Glôcôm sớm. Bệnh Glôcôm là nhóm bệnh lí thần kinh thị giác tiến triển cấp tính hoặc mãn tính. Bệnh rất phức tạp do có rất nhiều hình thái với những cơ chế bệnh sinh, biểu hiện lâm sàng, đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Mục đích của điều trị Glôcôm nhằm làm hạ nhãn áp, giúp giải quyết tình trạng nhức mắt và giữ được thị lực như ban đầu cho người bệnh. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị can thiệp phù hợp bằng phương pháp phẫu thuật, dùng thuốc điều trị nội khoa hay can thiệp bằng laser. Nếu bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, hiệu quả điều trị sẽ rất tích cực, thị lực của người bệnh được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, khi các triệu chứng của bệnh tiến triển rầm rộ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, khả năng hồi phục thị lực thấp, thậm chí người bệnh có thể bị mù lòa vĩnh viễn.

Mặc dù nguy hiểm nhưng hiện có đến 50% bệnh nhân có Glôcôm không biết mình mắc bệnh do không xuất hiện triệu chứng điển hình. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường năng lực khám chữa bệnh tại đơn vị, Bệnh viện Mắt Bắc Ninh cũng tổ chức các đoàn khám sàng lọc phát hiện Glôcôm trong cộng đồng tại 5 xã của huyện Gia Bình. Sau khi được sàng lọc tại cộng đồng, người bệnh sẽ được tư vấn chuyển gửi lên tuyến trên để chẩn đoán chính xác và điều trị. Cũng trong hoạt động cộng đồng này, đơn vị đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bệnh;  khuyến cáo những đối tượng nguy cơ cao từ 40 tuổi trở lên, người có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, người có tiền sử dùng nhiều thuốc nhỏ/tra mắt có thành phần corticoid và đặc biệt là những người trong gia đình có người bị Glôcôm chủ động đi khám định kì để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.

Bác sĩ CKII Dương Danh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Mắt Bắc Ninh cho biết: Thời gian tới, Bệnh viện Mắt  cử cán bộ đi đào tạo tại Quy Nhơn để cập nhật kiến thức và phương pháp điều trị Glôcôm hiện đại, tiến tới áp dụng tại đơn vị. Mặt khác, chú trọng vào nâng cao công tác đào tạo nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến y tế xã. Mở các lớp tập huấn để đảm bảo mỗi trạm y tế xã có ít nhất 1 cán bộ có thể khám phát hiện và tư vấn cho người dân hiểu về bệnh Glôcôm, từ đó chủ động đi khám phát hiện sớm, tránh hậu quả không đáng có với thị lực của mình

Bệnh Glôcôm ở mắt nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, những đối tượng nguy cơ cao như gia đình có người mắc Glôcôm, người cao tuổi, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường…cần đi khám mắt định kì để phát hiện sớm. Ngoài ra, cần xây dựng lối sống khoa học, hạn chế tiếp xúc ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử; đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài nắng; tránh sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn; giữ tinh thần thư giãn, thoải mái, tránh căng thẳng, thức khuya; tăng cường thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên để chủ động bảo vệ đôi mắt của mình.

Nguyễn Oanh

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-y-te/-/details/20182/-the-gioi-tuoi-sang-hay-cuu-lay-thi-giac-cua-ban-