Các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc có thể tổ chức các lớp giảng dạy cho Facebook, Instagram và YouTube biết cách làm sao để giúp người dùng mạng xã hội giới hạn thời gian hiển thị trực tuyến của chính mình.
Facebook, Instagram, và YouTube gần đây đã đồng loạt bày tỏ thái độ và hành động muốn xóa bỏ “thước đo sự nổi tiếng” do chính họ nghĩ ra, thông qua việc “ẩn số lượng Like”, bỏ tính năng “thả tim” hay “làm gọn số lượt subscribe công khai”. Twitter cũng đang có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm ẩn số lượt tương tác trên News Feed.
Mục đích của chúng là nhằm giảm việc người dùng chạy theo các chỉ số thể hiện sự nổi tiếng này, cũng như xóa bỏ hiện tượng tôn thờ một ai đó trên mạng xã hội. Nhưng tất cả chỉ là những kế hoạch, thử nghiệm theo kiểu dò đường.
Trên thực tế, nếu có một tư tưởng cầu thị, các mạng xã hội phương Tây này có thể cắp sách, bút để một lần sang… Trung Quốc. Ở quốc gia đông dân nhất thế giới, cả trong thực tế lẫn trong thế giới ảo, việc hoạt động trên mạng xã hội từ lâu đã trở thành hoạt động hàng ngày của người dân ở nơi này. Và cũng như người dùng ở phía bên ngoài biên giới, người dùng ở Trung Quốc cũng bị ám ảnh về những lượt thích hay những gì người khác đang đăng tải.
Nhưng, các phương tiện truyền thông mạng xã hội ở đây từ lâu đã nhìn ra và tìm biện pháp để xử lý vấn nạn này.
Người dùng mạng xã hội ở đâu cũng bị ảnh hưởng bởi các con số về lượt tương tác, chia sẻ.
Năm 2017, WeChat do tập đoàn Tencent hậu thuẫn, đã phát hành một tính năng cho phép người dùng hạn chế khả năng hiển thị của một bài đăng lên đến ba ngày kể từ khi được tải lên. Theo nhà điều hành, hơn 100 triệu người dùng, hoặc khoảng 1/10 của hơn 1 tỷ người dùng trên WeChat, hiện sử dụng cài đặt đó làm mặc định. Nền tảng này đã thêm chức năng cho phép hiển thị bài đăng lên tới một tháng vào đầu năm nay.
Theo Zhang Xiaolong, “cha đẻ” của ứng dụng WeChat, việc đặt giới hạn ba ngày sẽ làm giảm bớt một số căng thẳng mà người dùng phải đối mặt khi đăng thông tin lên “tường nhà” của mình. Người dùng sẽ không phải lo lắng về bạn bè của họ đào bới sâu vào các hình ảnh, nội dung trong quá khứ.
Vào tháng 4 vừa qua, Weibo cũng cho phép người dùng của mình đặt giới hạn thời gian hiển thị các bài đăng công khai lên 6 tháng, để tăng cường quyền tự chủ và quản lý của người dùng đối với nội dung trên tài khoản của họ.
Cũng theo phân tích của Zhang, việc ẩn số lượng tương tác không phải là “liều thuốc” phù hợp cho các nền tảng mạng xã hội, để giữ chân người dùng. “Chìa khóa” của nó phải là việc cung cấp các thông tin thực sự, có giá trị cho người dùng. Các nền tảng hiện nay đang khuyến nghị các nội dung theo xu hướng ngày càng dẫn dắt người dùng vào một cái “kén thông tin”, thay vì cung cấp giá trị thực. Ông cho rằng các thông tin giá trị hay hữu ích quan trọng hơn nhiều so với các bình luận hoặc lượt Like.
Thanh thiếu niên Trung Quốc gần đây cũng đang có xu hướng ngừng đăng tin lên mạng xã hội vì sợ cha mẹ hay thầy cô giáo tò mò, hỏi han.
Trung Quốc đang có số lượng dân số Internet lớn nhất thế giới, với 854 triệu người dùng tính đến ngày 30/6 vừa qua. Khoảng 99% số đó sử dụng điện thoại thông minh. Người dùng di động dành khoảng 14,5% thời gian trực tuyến cho các ứng dụng nhắn tin tức thời và 4,5% cho các ứng dụng mạng xã hội.
Dora Liang, một kỹ sư 29 tuổi, làm việc trong một công ty vật liệu sinh học ở Ninh Ba, thành phố ở phía đông tỉnh Chiết Giang, cho biết cô đã không đăng bất cứ điều gì trên tài khoản WeChat trong ba tháng qua. Nguyên nhân bởi bạn bè, đồng nghiệp của cô đều dùng WeChat.
“Tôi không muốn sếp hoặc đồng nghiệp của mình thấy tôi vui như thế nào trong một kỳ nghỉ, đặc biệt là khi họ vẫn còn làm việc. Ông chủ của tôi thích tôi ở trong văn phòng và làm việc nhiều hơn”, Liang nói. “Tôi phải rất cẩn thận với những tin nhắn tôi gửi. Nó đã khiến tôi mất quá nhiều thời gian để giải thích sau đó. Việc đó quá căng thẳng, vì vậy tôi muốn ngừng đăng”.
Tham khảo SCMP