Thấy vậy mà không phải vậy

Trong cuộc sống, cùng một sự việc, hiện tượng nhưng mỗi người sẽ có cách nhìn, cảm nhận, đánh giá khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, tâm thái… và đôi khi lồng ghép tình cảm cá nhân, thậm chí còn mang theo cả định kiến, thành kiến.

Ở một khu dân cư, có một người được mãn hạn tù sớm sau thời gian thi hành án vì tội trộm cắp, do cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ. Một ngày kia, trong khu lại xảy ra một vài vụ mất trộm đồ, không ai bảo ai, nhiều người liền nghĩ ngay đến “tên trộm” cũ, không cần biết bây giờ người ấy đã hoàn lương, tìm được công việc cho thu nhập ổn định. Nếu chủ nhân của những đồ vật bị mất ấy không tìm ra được thủ phạm chính là cậu con trai mới lớn ham mê trò chơi điện tử, “trót dại” lấy trộm đồ của nhà mang đi bán thì không biết “cựu tù” kia phải chịu tiếng oan đến khi nào.
Chồng tôi kể, những năm đầu thập niên 90 mới nhập ngũ, có người đồng hương, được gia đình và mọi người tặng quà trước lúc lên đường cả thảy 120 ngàn đồng, đem ra gửi tiết kiệm tại bưu điện gần trường lấy lãi cộng với phụ cấp hằng tháng để chi tiêu. Trớ trêu, trong Tiểu đoàn rất nhiều học viên bị mất trộm quần áo lót và giày thể thao (ngày đó bộ quần áo lót của Thái Lan rất có giá trị và được cánh thanh niên ưa chuộng). Khi kiểm tra ba lô, mọi người thấy sổ tiết kiệm có nhiều tiền và thầy chủ nhiệm lớp đã nghi ngờ anh bạn ấy là thủ phạm của những vụ trộm. Cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra, người bạn khi ấy mới biết mình đã từng bị đồng đội nghi ngờ; anh ấy tâm sự với chồng tôi là không trách giận ai cả, vì “một mất mười ngờ”… và hỏi “ông đã bao giờ gặp một tên ăn trộm đồ bán lấy tiền gửi tiết kiệm chưa?”. Có lẽ, chính những thói thường và tâm lý đám đông đã làm sai lệch không ít bản chất sự vật hiện tượng; kiểu như trước đây cứ thấy một cô gái ăn mặc phóng khoáng, trang điểm đậm là nhiều người nghĩ ngay rằng cô gái đó chơi bời hư hỏng.

 


Chuyện xưa kể rằng, thời Chiến quốc, Trung Hoa loạn lạc, ly tán, đức Khổng Tử đưa một số học trò thân tín của mình đi từ nước Lỗ sang nước Tề. Trải nhiều ngày cực khổ, đói khát, hôm ấy thầy trò đi đến một trang trại, được gia chủ tặng cho ít lương thực. Nhan Hồi, học trò ngoan của Khổng Tử nhận trách nhiệm nấu cơm, còn những người khác thì vào rừng kiếm rau. Khổng Tử ngồi đọc sách, vừa lúc quay ra, bất chợt bắt gặp Nhan Hồi vội vã đưa một nắm cơm vào miệng, bèn ngửa cổ than “Trời ơi, học trò thân tín nhất của mình mà ăn vụng thầy và bạn đốn mạt như thế này ư?!”. Vốn điềm đạm, thầy Khổng Tử không vội trách mắng học trò mà nghĩ cách để nhìn rõ thực hư, trước bữa ăn ông nói với các trò: các con, thầy trò ta xa quê đã lâu, trải bao chặng đường đói cơm, khát nước luôn có nhau, biết bao ân tình. Nhân có bữa cơm này, thầy chạnh lòng nhớ quê hương và cha mẹ… nên muốn dâng cơm cúng cha mẹ thầy, các con thấy có nên chăng? Lúc này, Nhan Hồi mới thưa với thầy rằng, khi mở vung kiểm tra xem cơm chín chưa thì trời bất chợt nổi gió, khiến bồ hóng rơi vào, nên đã hớt chỗ cơm bị bẩn định bỏ đi nhưng lại nghĩ khó khăn lắm mới có được ít cơm mà bỏ phí là tội lớn nên ăn luôn…và rằng nồi cơm đã không còn sạch, quyết không thể đem cúng được. Nghe vậy, Khổng Tử giật mình than thầm “Trời ơi, trên đời này có những thứ chính mắt mình nhìn thấy rành rành như vậy mà vẫn không đúng với sự thật! Suýt chút nữa, Khổng Tử ta trở thành kẻ hồ đồ mất rồi!”.
Thực tiễn cuộc sống muôn màu, luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Để không mắc sai lầm, nghĩ sai, đánh giá sai người khác, cần bình tâm nhìn nhận, suy xét thấu đáo, bởi nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy.

Chi Mai

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoc-nghe-thuat/-/details/20182/thay-vay-ma-khong-phai-v-1