Thầy Park không phải là con ong mật, đừng cho ông “ăn nhiều đường” như thế!

Sau trận hòa quý giá của thầy trò HLV Park Hang-seo trên đất Thái, có người nhận xét: “Bóng đá Việt Nam khó bứt xa khỏi Thái Lan”. Đùa đấy à?

1. Một BLV nổi tiếng của bóng đá Việt Nam lên tiếng sau trận hòa này: “Bóng đá Thái Lan và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng. Một thương hiệu lớn của Nhật Bản cũng nhiều năm tài trợ cho Thai League. Ở Thái Lan cũng có nhiều chuyên gia bóng đá Nhật Bản đến làm việc.

Người Thái muốn mời ông Nishino đến như đối trọng với HLV Park Hang-seo đến từ Hàn Quốc, nhưng bản thân Nishino cũng chứng tỏ được đẳng cấp, tên tuổi và vẫn trong giai đoạn sung mãn“.

Liệu có phải người Thái bỏ tiền ra mời HLV xuất sắc nhất châu Á đến cầm đội tuyển quốc gia chỉ để làm đối trọng của Việt Nam? Chắc chắn là không rồi, bởi với HLV người Nhật – Akira Nishino, mục tiêu mà người Thái hướng đến là đấu trường World Cup, là nâng bóng đá Thái Lan lên tầm châu Á.

Thầy Park không phải là con ong mật, đừng cho ông ăn nhiều đường như thế! - Ảnh 1.

Người Thái vời HLV Akira Nishino về chỉ để đối phó với Việt Nam?

Với trận hòa trên sân Thammasat, suốt 11 năm qua, ở các giải đấu chính thức, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa một lần đánh bại được người Thái. Bởi vậy cho dù suốt gần 2 năm qua, thầy trò HLV Park Hang-seo đạt được rất nhiều thành tích, nhưng bất quá với người Thái, với HLV Akira Nishino, họ vẫn chỉ là một đối thủ mạnh giúp bóng đá Thái Lan có thêm sự cọ sát ở Đông Nam Á, chứ để người Thái trông vào mà phấn đấu thì chưa thể.

Việt Nam khó có thể bứt xa khỏi Thái Lan, bởi nền bóng đá của họ có nền tảng. Chúng ta tiếc nuối vì không thắng trận này, nhưng hòa là đúng thôi. Cuối trận, tuyển Việt Nam còn suýt thua với tình huống dứt điểm của Supachok Sarachat. Theo tôi tỷ số hòa sẽ làm dịu bớt căng thẳng chuyên môn giữa hai nền bóng đá đi. Thực ra, chúng ta thắng Thái Lan mãi, có thắng thêm thì cũng chỉ là một trận thắng nữa thôi“, vẫn BLV nổi tiếng ấy phát biểu.

Bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan mãi từ bao giờ thế? Nếu tính cả bóng đá nữ lẫn các cấp độ U, thì phải lý giải thế nào về thất bại của U18 Việt Nam trước Campuchia? Bóng đá Campuchia đang vượt lên Việt Nam à?

Thầy Park không phải là con ong mật, đừng cho ông ăn nhiều đường như thế! - Ảnh 2.

2. Tuân Tử từng nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy“. Nói một cách đằng thẳng, trận hòa vừa qua, thầy trò HLV Park Hang-seo mới là người may mắn. Và nhìn vào những gì thầy Park có trong tay, mới thấy người ta đang kỳ vọng ông nhiều đến thế nào.

HLV Park Hang-seo lấy gì để “bứt xa khỏi Thái Lan”, khi các cầu thủ của CLB Hà Nội đóng vai nòng cốt của đội tuyển đều đang cực kỳ quá tải trong giai đoạn căng thẳng của mùa giải. May mắn là ông có được sự tỏa sáng của các cầu thủ HAGL.

Rõ ràng, lực lượng đang là bài toán lớn nhất với HLV Park Hang-seo, cũng như bóng đá Việt Nam. Không chỉ riêng trận đấu với Thái Lan, mà có thể thấy ông Park đang vắt kiệt sức các học trò của mình, để tìm kiếm thành tích cho bóng đá Việt Nam.

Lý giải về điều này, BLV nổi tiếng nói trên lý giải: “Không đâu như châu Á với Đông Nam Á, lịch thi đấu trải dài từ Đông sang Tây, chồng chéo nhau rất nhiều. SEA Games 2 năm đá một lần mà vẫn phải có thành tích tốt, vẫn tham gia Asiad, Olympic, AFF Cup, rất nhiều giải chồng nhau trong khu vực“.

Thầy Park không phải là con ong mật, đừng cho ông ăn nhiều đường như thế! - Ảnh 3.

Những trụ cột ĐTQG như Văn Hậu liệu có nhất thiết phải tham dự SEA Games?

Thực tình, đấy không phải là ngộ nhận của riêng một mình anh, mà còn là của rất nhiều người hâm mộ bóng đá nước nhà. Một nền bóng đá vững vàng hẳn nhiên là không bao giờ lại bắt những tuyển thủ trụ cột của ĐTQG tham dự SEA Games hay Asiad – những giải đấu dành riêng cho các cầu thủ trẻ, và cũng chẳng nền bóng đá trưởng thành nào lại lấy chức vô địch SEA Games – sân chơi cho những cầu thủ U22 làm đích đến lớn nhất của nền bóng đá ấy cả.

Thầy Park càng thành công cùng bóng đá Việt Nam, kỳ vọng của người hâm mộ càng lớn, và nó cũng kéo theo sức ép lớn đến mức vô lý, như cái sức ép phải “bứt xa khỏi Thái Lan”, trong khi nền bóng đá nước nhà vẫn phải “chạy ăn từng bữa” bằng cách ném các cầu thủ trụ cột vào những giải đấu trẻ vì sức ép thành tích.

HLV Park Hang-seo cũng chỉ là con người, các cầu thủ xuất chúng của bóng đá Việt Nam hiện tại cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt. Họ biết mệt khi phải làm việc quá sức, họ biết mỏi khi phải thi đấu đến hơn 60 trận mỗi mùa, họ biết đau với những chấn thương đôi khi đến vì cơ thể quá tải.

Thầy Park không phải là con ong mật, đừng cho ông ăn nhiều đường như thế! - Ảnh 4.

Họ có nhu cầu nghỉ ngơi, như thầy Park có nhu cầu được có những điểm dừng để tái tạo sức lao động của mình, thay vì phải bay sang Trung Quốc ngay sau trận đấu trên đất Thái, để theo sát đội tuyển U22 Việt Nam, hướng tới mục tiêu vô địch SEA Games.

Họ không phải thần thánh, để rồi chỉ cần những lời khen đường mật là có thể làm được mọi điều mà người hâm mộ yêu cầu. Nói đâu xa, dẫu cho có vô địch SEA Games, thì những Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Duy Mạnh… có thoát được “kiếp cày cuốc” ở giải U23 châu Á?

Hỏi, bản thân tự nó đã là câu trả lời.

Sau mỗi thành công, lại là mức kỳ vọng cao hơn. Nếu không đạt được, lại là sự đổ sụp về niềm tin. Vòng xoay ấy, đến bao giờ mới dừng…