Lâu nay, những thương vụ thâu tóm bất động sản có vị trí đắc địa, giá trị lớn ở trung tâm TP lớn, đặc biệt là các khách sạn 5 sao đều thuộc về các tập đoàn nước ngoài. Nhưng gần đây, sân chơi này đang chứng kiến làn sóng doanh nghiệp nội mua lại các BĐS này từ doanh nghiệp ngoại.
Nhìn từ những thương vụ táo bạo của doanh nghiệp nội…
Thời gian gần đây, việc các tập đoàn tư nhân của người Việt mạnh tay thực hiện các thương vụ M&A BĐS tại trung tâm 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Điều này cho thấy, cuộc chơi M&A không còn là sân chơi của riêng doanh nghiệp ngoại vốn làm mưa làm gió trên thị trường từ trước đến nay.
Số lượng cũng như giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập là minh chứng cho nội lực của các doanh nghiệp nội trên thị trường này.
Từ thường vụ của Tập đoàn BRG để thấy doanh nghiệp nội có đủ tiềm lực tài chính để lội ngược dòng trên thị trường M&A
Một trong những thương vụ “đình đám” mới đây là tập đoàn Berjaya (Malaysia) tuyên bố đã thoái toàn bộ 75% cổ phần của mình tại Công ty THHH T.P.C Nghi Tam Village cho Công ty TNHH phát triển du lịch khách sạn Hà Nội. Giá trị của giao dịch được công bố là 1.245 tỷ đồng (tương đương khoảng 54,13 triệu USD).
Bên mua là Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội, doanh nghiệp được cho là thành viên của Tập đoàn BRG.
Được biết, Berjaya đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với một loạt dự án BĐS lớn như khách sạn Sheraton Hà Nội; khách sạn Berjaya Long Beach Phú Quốc. Năm ngoái, họ đã bán cổ phần tại các dự án lớn nhất trong danh mục tài sản là dự án Trung Tâm tài chính Việt Nam (BVFC) và Dự án Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT) tại TP.HCM, bên mua cũng là nhà đầu tư trong nước.
Chưa kể, trong bức tranh M&A BĐS Việt Nam gần đây, doanh nghiệp nội đang ngày càng chiếm ưu thế so với với doanh nghiệp ngoại về số lượng cũng như giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập. Đây đang được xem là xu hướng M&A BĐS năm 2019.
Điển hình có các thương vụ như Công ty CP Địa ốc Phú Long – công ty chuyên phát triển dự án BĐS của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, mua lại 50% cổ phần tại Công ty An Khánh JVC – chủ đầu tư dự án Splendora. 50% cổ phần này Phú Long mua lại từ Công ty xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc).
Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa được tư vấn mua lại Khu phức hợp Sky Park Residences tại quận Cầu Giấy, Hà Nội từ Licogi 16 với giá trị chuyển nhượng 143 tỷ đồng.
Hay thời gian qua, có thể liệt kê những thương vụ “đình đám” khác như Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD) bỏ ra gần 10.000 tỷ đồng để mua lại Vincom Centre A của Vingroup; VinaCapital bán lại Khách sạn Legend Saigon, Sheraton Nha Trang và Movenpick Saigon; Novaland bỏ ra hơn 3.000 tỷ đồng để thâu tóm 3 dự án bất động sản tại Tp.HCM…
…để thấy xu hướng đối trọng ngày càng mạnh mẽ
Trước đây, khi nói đến những thương vụ mua lại tài sản là các khách sạn có giá trị lớn, hàng nghìn tỷ đồng tại 2 trung tâm TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, được xem là hoạt động “một chiều” bởi hầu hết được thâu tóm, mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư ngoại. Theo ghi nhận, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM luôn là đích ngắm của các nhà đầu tư lớn.
Theo thống kê sơ bộ, phần lớn các khách sạn 5 sao tại 2 thành phố lớn trên thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trong tổng số 35 khách sạn đang hoạt động thì khoảng 2/3 thuộc quyền chi phối của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Vì thế, những thương vụ thâu tóm lại các khách sạn 5 sao, điển hình như thương vụ Hilton Hanoi Opera, hay mới đây là Intercontinental Hanoi Westlake được xem là cú lội ngược dòng mua lại cổ phần từ nhà đầu tư ngoại của doanh nghiệp nội khá táo bạo.
Thời gia qua, trên thị trường các nhà đầu tư nội như Saigon Tourist, Bitexco, BRG, Tổng công ty Du lịch Hà Nội với những khách sạn mang thương hiệu quốc tế như Four Seasons, Hilton, Sheraton Grand, Metropole, Crown Plaza, Marriott… đã nổi lên như những đối trọng với các tên tuổi ngoại.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần có những doanh nghiệp nội đối trọng với các nhà đầu tư ngoại để không bị chi phối bất cứ lĩnh vực nào. Cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các thương vụ mua lại của nhà đầu tư nội bởi không chỉ là bài toán lợi ích kinh tế của bản thân nhà đầu tư, mà còn là rất nhiều công ăn việc làm và đóng góp tích cực cho địa phương cũng như ngân sách nhà nước. Xa hơn đó còn là niềm tự hào dân tộc khi Việt Nam có những doanh nghiệp có thể cạnh tranh song phẳng với những tập đoàn lớn của nước ngoài.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhận định, diễn biến thị trường cho thấy, dù các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm và ngày càng rót tiền nhiều vào thị trường địa ốc Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp nội lại đang thống lĩnh và dẫn dắt thị trường M&A BĐS. Với xu thế doanh nghiệp nội đang thâu tóm các dự án lớn tại trung tâm TP, thì thị trường M&A sẽ trở thành xu hướng tích cực, góp phần không nhỏ vào kinh tế xã hội đất nước.