Thời gian qua, cơ quan chuyên môn và các địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhờ vậy ATTP cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại cần các sở, ngành, địa phương thực hiện chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm (TP), cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại Sở Nông nghiệp và PTNT. |
Toàn tỉnh hiện có 13.338 cơ sở SXKD, chế biến TP, trong đó có 2.864 cơ sở SXKD TP; 5.540 cơ sở kinh doanh TP; 3.405 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 1.529 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố… Theo phân cấp quản lý, Sở Y tế là cơ quan thường trực về ATTP; Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương quản lý theo chuỗi cung cấp TP với từng nhóm TP, ngành hàng cụ thể. UBND cấp huyện, UBND cấp xã quản lý ATTP trên địa bàn.
Bám sát nhiệm vụ được giao, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP. Hoạt động kiểm tra, giám sát về ATTP được thực hiện thường xuyên, trọng tâm vào các dịp cao điểm lễ, Tết, trung thu.
Riêng năm 2023, toàn tỉnh có 601 đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm về ATTP đối với 7.503 cơ sở SXKD TP, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn. Kết quả, đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý 654 cơ sở (trong đó nhắc nhở 225 cơ sở; xử lý vi phạm 429 cơ sở) với tổng số tiền xử phạt gần 1,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cơ quan phối hợp kiểm tra, xử lý 5 trường hợp vi phạm về hoạt động giết mổ động vật mắc bệnh và vận chuyển động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.
Kết quả giám sát trực tiếp của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh tại Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, huyện Đồng Hỷ và khảo sát trực tiếp tại 21 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cho thấy vẫn còn một số cơ sở SXKD hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cam kết ATTP, giấy chứng nhận đủ sức khỏe, giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP.
Cụ thể, chợ Trung tâm TP. Sông Công có 59/103 hộ kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 85/103 hộ kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đủ sức khoẻ. Còn có cơ sở sản xuất, kinh doanh tự công bố sản phẩm mà không gửi đến cơ quan quản lý để đăng tải công khai, chỉ khi kiểm tra, hậu kiểm mới phát hiện.
Việc thống kê, thiết lập sổ theo dõi, tiếp nhận bản cam kết đảm bảo ATTP của cơ sở SXKD TP thuộc thẩm quyền quản lý cấp xã thực hiện chưa đầy đủ, như ở UBND phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên); UBND thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).
Mặc dù công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn còn vi phạm. Có 50 mẫu không đạt và có dư lượng chất cấm (49 mẫu test nhanh phục vụ giám sát nguy cơ ATTP không đạt; 1 mẫu cá phát hiện dư lượng chất cấm Malachite Green). Đặc biệt việc quản lý, đảm bảo ATTP tại các chợ còn hạn chế; xử lý vi phạm ở cấp xã còn thiếu kiên quyết, chưa có tính răn đe, chủ yếu là nhắc nhở.
Trong 140 chợ toàn tỉnh hiện nay, nhiều chợ ở các xã miền núi, nông thôn cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa xuống cấp, chưa đáp ứng điều kiện bảo đảm ATTP. Một số chợ chưa có hệ thống xử lý nước thải như: Chợ Đồng Quang, Dốc Hanh (TP. Thái Nguyên); Trung tâm (TP. Sông Công).
Tại nhiều chợ, hoạt động giết mổ gia cầm gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa được quản lý, kiểm soát, xử lý, như tại các chợ Đồng Quang, Túc Duyên (TP. Thái Nguyên)… Chưa kể việc sắp xếp, bố trí quầy kinh doanh TP chín tại một số chợ chưa đúng quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.
Ngoài ra, việc hỗ trợ xây dựng và phát triển cơ sở giết mổ tập trung hiệu quả chưa cao. Hầu hết các huyện, thành phố chưa có cơ sở giết mổ tập trung.
Bên cạnh những hạn chế nêu trên, lực lượng quản lý ATTP từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm. Tuyến tỉnh, Phòng ATTP có 5 biên chế thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP; 9 trung tâm y tế huyện, thành phố có từ 1-2 cán bộ thực hiện nhiệm vụ về ATTP; cấp xã có 1 cán bộ văn hóa kiêm nhiệm nhiệm vụ ATTP.
Kết quả công tác giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm; việc xử lý vi phạm hành chính phần lớn là tuyên truyền, nhắc nhở, chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong ATTP. Ban Văn hóa – Xã hội cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh để tập trung thực hiện.
Đồng thời chỉ đạo sớm triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ (có hiệu lực từ ngày 01/8/2024), trong đó, quan tâm dành kinh phí từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ.
Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại các chợ theo phân cấp quản lý; chỉ đạo, bố trí sắp xếp lại các ngành hàng trong chợ đảm bảo ATTP. Đặc biệt là nêu cao vai trò của cấp xã trong quản lý chặt chẽ việc sản xuất, chế biến, kinh doanh TP trên địa bàn.
Nguồn Báo Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202408/thay-gi-tu-ket-qua-giam-sat-ve-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-bd62081/