Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Hạ Lang thành lập mô hình Tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) với nhiều hoạt động truyền thông phù hợp từng nội dung, đối tượng người dân, góp phần xây dựng địa bàn an toàn cho phụ nữ và trẻ em (PN&TE), tạo điều kiện cho phụ nữ khẳng định vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Mô hình Tổ TTCĐ nằm trong Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (giai đoạn I từ năm 2021 – 2025) nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc PN&TE, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với PN&TE vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Để thực hiện các chỉ tiêu của Dự án 8, Hội LHPN huyện định hướng các Tổ TTCĐ đa dạng hình thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo, phù hợp. Đến nay, Hội lồng ghép tổ chức 31 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành Tổ TTCĐ; 25 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông tại xóm và kết hợp truyền thông mẫu cho 2.477 người tham dự; cung cấp 56 quyển sổ tay hướng dẫn hoạt động Tổ TTCĐ, 56 loa kéo cho các Tổ TTCĐ, phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Truyền thông xây dựng tin, bài phục vụ hoạt động truyền thông.
Chủ tịch Hội LHPN xã An Lạc Hứa Thị Tuyết cho biết: Mô hình Tổ TTCĐ tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Thông qua hoạt động của Tổ TTCĐ nhân dân được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức như: Luật Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, hôn nhân cận huyết thống, phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người…
Hiện nay, Hội LHPN huyện thành lập và tổ chức ra mắt 56 Tổ TTCĐ với 501 thành viên tham gia, hoàn thành chỉ tiêu ra mắt Tổ TTCĐ. Số lượng thành viên của Tổ TTCĐ từ 7 – 10 người là bí thư chi bộ, trưởng xóm, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện ban công tác mặt trận, các đoàn thể ở địa phương, người có uy tín trong cộng đồng, đây là một trong những yếu tố thuận lợi trong việc điều hành hoạt động tổ TTCĐ.
Hằng tháng, Ban điều hành Tổ TTCĐ tiến hành họp bàn kế hoạch hoạt động trong tháng và tháng tiếp theo. Tùy theo nội dung tuyên truyền, Ban điều hành tổ giao cho tổ trưởng, tổ phó hay thành viên. Nội dung liên quan đến công an như: phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, phòng, chống tệ nạn xã hội, an ninh biên giới quốc gia… giao cho công an tuyên truyền; nội dung Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình… giao cho chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên hoặc trưởng xóm, tổ dân phố… Tùy theo nội dung, kỹ năng, chuyên môn, năng lực sở trường của thành viên để phân công nhiệm vụ tuyên truyền.
Chị Vương Thị Viên, xóm Răng Xe, xã An Lạc bộc bạch: Thông qua các buổi truyền thông của Tổ TTCĐ giúp chị em phụ nữ hiểu rõ hơn việc chăm sóc sức khỏe sinh sản; khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh; nhiều người chồng đã có sự thay đổi, biết san sẻ công việc với chị em phụ nữ…
Chủ tịch Hội LHPN huyện Hạ Lang Mã Thị Độ cho biết: Hội LHPN huyện tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và hoạt động của Tổ TTCĐ; đẩy mạnh giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm với các tổ trong toàn huyện. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn đa dạng hóa và lồng ghép các nội dung tuyên truyền nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với PN&TE, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội phát triển và bình đẳng trong các lĩnh vực tại địa phương. Xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các tổ truyền thông.
Nguồn Báo Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-tu-mo-hinh-to-truyen-thong-cong-dong-3171474.html