Tháp lọc khí tại Tây An, Trung Quốc được coi là cỗ máy lọc khí lớn nhất thế giới hiện nay và nó đang góp phần giúp thanh lọc không khí và làm giảm ô nhiễm không khí cho cả một thành phố khỏi khói bụi độc hại.
Tòa tháp cao hơn 100 mét này ở Trung Quốc được mệnh danh là cỗ máy lọc không khí lớn nhất thế giới đã và đang mang lại sự cải thiện rõ rệt về chất lượng không khí ở khu vực xung quanh.
Tháp lọc khí được xây dựng tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc đã và đang được các nhà nghiên cứu tại Viện Môi trường Trái Đất thuộc Viện Hàn lân khoa học Trung Quốc thử nghiệm trong nhiều tháng qua. Nhiệm vụ của nó là lọc khí bụi độc hại, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của Trung Quốc hiện nay.
Người đứng đầu nghiên cứu, Cao Junji cho biết, chất lượng không khí trong bán kính 10km2 của thành phố đã được cải thiện đáng kể trong vài tháng qua. Kết quả này có được nhờ việc tòa tháp liên tục tạo ra 10 triệu mét khối không khí sạch mỗi ngày. Thậm chí vào những ngày ô nhiễm không khí trầm trọng, sự xuất hiện của tòa tháp có thể làm giảm mức độ khói bụi xuống mức chấp nhận được.
Hệ thống này bao gồm một nhà kính với kích thước bằng nửa sân bóng đá nằm ở cạnh chân tháp. Không khí ô nhiễm sau khi được hút vào các nhà kính sẽ được làm nóng bằng ánh sáng Mặt trời và bắt đầu nổi lên.
Không khí nóng sau đó sẽ bốc lên qua tháp, đi qua nhiều lớp lọc để giữ lại các hạt bụi độc hại và trả về môi trường trong lành nhất. Theo người điều hành tổ hợp tháp lọc khí này, lớp phủ kính đặc biệt trên các khu nhà cho phép nó có thể hấp thụ bức xạ nhiệt hiệu quả ngay cả khi trời vào những tháng mùa đông ít ánh nắng.
Sự xuất hiện của tháp lọc khí phần nào giúp cải thiện môi trường tại TP. Tây An. Nơi đây thường xuyên bị ô nhiễm nặng vào mùa đông do hệ thống sưởi trong thành phố sử dụng chủ yếu là than đá.
Theo chỉ số quan trắc từ nhiều trạm giám sát ô nhiễm quanh tòa tháp cho thấy, mức độ bụi mịn PM2.5 đã giảm tới 15% trong những ngày ô nhiễm nặng nhất. Mặc dù vậy theo trưởng nhóm nghiên cứu Cao Junji, mọi thứ vẫn cần phải tiếp tục theo dõi thêm vì đây là kết quả sơ bộ.
Dự án tháp lọc khí ở Tây An từng được khỏi động vào năm 2015 và chỉ vừa hoàn thành vào năm ngoái. Chi phí xây dựng tháp tốn khoảng 2 triệu USD. Mục đích của dự án nhằm tìm ra một phương pháp hiệu quả, chi phí thấp để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Tháp là sản phẩm của nhà thiết kế người Hà lan Daan Roosegaarde. Ưu điểm vượt trội của tòa tháp này là nó hoạt động chủ yếu bằng năng lượng Mặt trời và không sử dụng điện từ than đá.
Hiện tại các nhà khoa học đang dự tính xây dựng thêm một tháp lọc không khí khác tại Tây An với chiều cao lên tới 300 mét. Tiếp đó, họ kỳ vọng có thể xây dựng thêm nhiều tòa tháp khác ở các tỉnh như Hà Bắc, Hà Nam và Quảng Châu.
Theo thống kê vào năm 2015, không khí ô nhiễm gây ra khoảng 6,5 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới. Đặc biệt, ô nhiễm không khí hay xảy ra trầm trọng nhất tại các thành phố lớn ở Trung Quốc vì quốc gia này hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào than đá và năng lượng hóa thạch.
Tiến sĩ David Pui, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Minnesota và là một trong những nhà nghiên cứu thuộc dự án trên chia sẻ: “Tôi muốn nói với các sinh viên của mình rằng, chúng ta không cần phải là các bác sỹ để cứu sống mọi người. Nếu chúng ta có thể giảm ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị lớn tới 20%, chúng ta có thể cứu hàng chục ngàn người mỗi năm”.
Pui gọi tòa tháp lọc không khí tại Tây An là một trong những bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí trên thế giới.
Tham khảo NBCnews