Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 21-6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong phiên thảo luận này, đại diện HĐND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được mời tham dự.

Về vấn đề thu hồi đất, nhiều ý kiến cho rằng cần đảm bảo cuộc sống của người dân bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Ngoài ra, cần bảo đảm hạ tầng, điều kiện sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới sau khi địa phương thu hồi đất để phục vụ xây dựng các dự án, mục đích khác… Ngoài việc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, có đường giao thông kết nối với các khu vực lân cận, Nhà nước cần ưu tiên bố trí các tuyến phương tiện giao thông công cộng trong khu vực đến khu tái định cư để người dân đi lại thuận tiện và tiết kiệm trong sinh hoạt, công việc, học tập từ nơi ở mới đến hạ tầng xã hội và khu vực lân cận.
Nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có các quy định mở hơn nữa trong việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, đại diện HĐND tỉnh dự phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sáng 21-6.

Về tiêu chí chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn nữa. Cụ thể, quy định ngay trong luật các tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở để các địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước, thực hiện được mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực.
Nhiều đại biểu góp ý về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất; nhấn mạnh yêu cầu thể chế hoá Nghị quyết số 18-NQ/TW bảo đảm phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường và quy định chi tiết nguồn thông tin đầu vào để xác định giá đất. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW về hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính đất đai là nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai minh bạch chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao. Đất nông nghiệp mua gom được đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đất ở, đất thương mại dịch vụ có giá cao gấp chục lần so với đất nông nghiệp. Do vậy, vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội. Luật Đất đai (sửa đổi) phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát; xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần được xử lý để tránh điểm nghẽn trong thực thi; cần sửa đổi, rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong thực thi; lưu ý bám sát vào nguyên tắc của Luật Quy hoạch. Nhiều đại biểu kiến nghị cần có các chế định cụ thể đối với đất thương mại, dịch vụ trong Luật Đất đai và các luật chuyên ngành có liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi khi triển khai.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khoá XV thảo luận tại tổ và hội trường trong kỳ họp thứ 4. Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân. Chính phủ chủ động nhiều hoạt động đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến nhân dân, tích cực tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và dự án Luật này được Quốc hội thảo luận ở Tổ ngày 9-6-2023.

Vân Giang

Nguồn Báo Bắc Ninh: http://baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-an-luat-at-ai-sua-oi-