Thanh Sơn là huyện miền núi có nhiều xã thuộc khu vực II, III và CT 229. Toàn huyện có 32 dân tộc, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 61,5%. Các dân tộc thiểu số vẫn giữ sắc thái văn hóa riêng của mình, song có sự giao thoa văn hóa với nhau. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện cần cù trong lao động sản xuất, đoàn kết tương thân, tương ái, cùng góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đảm bảo đi lại cho người dân
Đồng chí Phạm Tú- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Xác định rõ tầm quan trọng của các chương trình, dự án hỗ trợ người dân, thời gian qua, huyện Thanh Sơn luôn tập trung quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chương trình Mục tiêu Quốc gia; đặc biết là Chương trình phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, đời sống đồng bào có nhiều khởi sắc; tạo tiền đề quan trọng để kinh tế-xã hội địa phương phát triển vững chắc”.
Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung tay đóng góp của Nhân dân, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, điện nông thôn… từng bước được đầu tư xây dựng. Đến nay 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,6% hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; 96,5% trở lên hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 95 công trình đầu tư cơ sơ hạ tầng các xã ĐBKK, thôn bản ĐBKK (theo chương trình 135) đưa vào sử dụng…
Hoạt động tín dụng, ngân hàng phát triển mạnh trên cả hai lĩnh vực huy động vốn và cho vay, tập trung vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp đã góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo trong đồng bào DTTS. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tiếp tục được quan tâm, chú trọng; chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân từng bước được cải thiện ở cả 2 tuyến huyện và xã.
Xây dựng nhà văn hoá phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân.
Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 92,53%; trong đó người DTTS được cấp thẻ BHYT đạt 92,2%. Chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi được triển khai thực hiện quy mô, hiệu quả. Cơ sở vật chất trường học được tăng cường, chú trọng đầu tư nhiều phòng học kiên cố. Công tác xóa mù chữ đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Nhiều học sinh người DTTS đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt nhiều thành tích cao. Chính sách đối với học sinh nội trú, bán trú là người DTTS đã được triển khai thực hiện tốt.
Từ năm 2021 đến nay, đã có trên 1.530 học sinh được hỗ trợ gạo, tiền ăn, tiền nhà ở theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 8,3 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần hàng năm đạt trên 97%. Tỷ lệ thanh thiếu niên 15 đến 18 tuổi đang học chương trình GDPT hoặc GDTX đạt 73,1%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 100%. Chính sách đào tạo nghề cho người lao động nói chung, đồng bào DTTS nói riêng luôn được quan tâm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94%.Công tác quốc phòng an ninh vùng DTTS&MN được luôn ổn định…
Có thể khẳng định các chương trình, chính sách đảm bảo quyền cho người DTTS đã góp phần rất lớn trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Góp phần thu hẹp khoảng cách, mức sống, thu nhập bình quân của vùng DTTS với bình quân chung của tỉnh, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoát tốt đẹp của của DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng tuy được cải thiện song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS tuy giảm nhưng vẫn còn cao; chênh lệch mức sống giữa khu vực vùng thấp, khu vực miền núi còn cao.
Nguyên nhân do xuất phát điểm là huyện khó khăn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa bàn rộng, địa hình chia cắt vào mùa mưa lũ; thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS nên còn gặp khó khăn cho công tác giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, trình độ, dân trí của một bộ phận Nhân dân còn hạn chế; vẫn còn tình trạng người dân trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng cơ chế, chính sách giảm nghèo…
Để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào DTTS và thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội cho đồng bào DTTS và MN, huyện Thanh Sơn đề nghị các cơ quan ở Trung ương và Tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết các nôi dung, dự án của Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho huyện trong việc phát triển sản xuất một số sản phẩm hàng hóa đặc trưng phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp tục bố trí các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng có tiềm lực mạnh đỡ đầu, thu hút đầu tư hỗ trợ huyện về nguồn lực đầu tư phát triển trong giai đoạn 2021-2025.
Nguồn Báo Phú Thọ: https://baophutho.vn/thanh-son-tap-trung-thuc-hien-chinh-sach-nguoi-dan-toc-217789.htm