Theo chuyên chống độc, việc tử vong khi thau bể ngầm hoàn toàn có thể xảy ra do ngộ độc khí hydrogen sulfide.
Tử vong khi thau bể ngầm
Vào ngày 22/10, tại ngõ 172 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội hai bố con trong một gia đình sinh sống tại đây xuống thau rửa bể nước ngầm của gia đình.
Trong quá trình thau, rửa bể, người con đã bị ngạt khí, người bố đã cố gắng hô hoán nhờ người giúp nhưng không thể kéo con trai lên khỏi bể được.
Sau đó, nhờ sự giúp của đội cứu hộ nạn nhân nhanh chóng được đưa ra ngoài, Trung tâm y tế 115 cũng có mặt ngay sau đó sơ cứu tuy nhiên nam thanh niên đã không qua khỏi.
Theo chuyên gia về độc chất thì trong bể ngầm có rất nhiều khí độc có thể cướp đi tính mạng của con người. Thời điểm vừa qua nước sạch Sông Đà nhiễm dầu bẩn sẽ có rất nhiều gia đình thau rửa lại bể, mọi người cần phải chú ý tới mối nguy hiểm này.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, các trường hợp bị tử vong do thay rửa bể chứa nước, thau giếng, vệ sinh hầm đều do bị ngộ độc khí H2S (hydrogen sulfide) hay còn gọi là khí hầm hố (khí độc).
Người dân cần cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc khí khi thau bể ngầm, ảnh minh hoạ.
Khí độc này thường có trong các hang hốc kín như: bể ngầm, giếng, bể chứa chất thải, hầm… Đây đều là những nơi để hoang, kín gió, thông khí kém. Trong điều kiện đó, các chất hữu cơ phân huỷ, vi khuẩn chuyển hóa sinh ra khí độc hydrogen sulfide và tích tụ ở đó.
Bác sĩ Nguyên cảnh báo: “Hydrogen sulfide là khí rất độc với hệ thần kinh trung ương. Loại khí này ở nồng độ cao có thể gây ra liệt thần kinh khứu giác. Khí Hydrogen sulfide ở nồng độ thấp sẽ có mùi thối, còn nồng độ cao nạn nhân không kịp ngửi phát hiện ra mùi đa gây ngộ độc cấp tính.
Nạn nhân sẽ ngay lập tức rơi vào hôn mê co giật, ngừng thở, trụy tim mạch và tử vong rất nhanh….”.
Làm gì để tránh ngộ độc khi thau bể ngầm
Bác sĩ Nguyên cho hay, thau rửa bể ngầm để giúp cho nước sinh hoạt sạch và an toàn là nhu cầu của người dân. Để tránh xảy ra các trường hợp ngộ độc đáng tiếc khi tiến hành thau rửa bể người dân cũng cần phải biết bể nước ngầm là nơi sẽ tiềm ẩn có chứa nhiều khí độc.
Trước khi thau, rửa bể ngầm người dân cần phải mở tung cửa, thổi quạt, phun dưỡng khí oxy vào hầm, bể, để không khí loãng, thoáng. Khi người xuống thau bể ngầm phải có người ở trên quan sát người ở dưới, có thiết bị cảnh báo kết nối ví như dây thừng buộc vào người, để kịp thời xử trí kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyên trong tình huống xảy ra ngộ độc người dân cần lưu ý chỉ cứu nạn nhân khi có đủ trang thiết bị bảo hộ. Nếu đưa được nạn nhân ra ngoài, thường thì cần hỗ trợ hô hấp, cấp cứu ngừng tim, bằng cách ép tim, khai thông đường hở, móc đờm dãi trong họng, rồi gọi cấp cứu đến.
Tránh trường hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay vì có thể khiến mất não do không có oxy.