Thaipusam – Lễ hội hoang dại nhất thế giới: khi con người sẵn sàng chịu đau đớn để được an lành

Lễ hội được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng 10 theo lịch Tamil tại Ấn Độ, Malaysia, Singapore cũng như các cộng đồng người Tamil ở khắp nơi trên thế giới. Và đồng thời, nó nổi tiếng là một kiểu lễ hội hành xác rùng rợn nhất thế gian.

Theo truyền thuyết Ấn Độ giáo thì ngày xửa ngày xưa, thiên giới bị thần Asura nhiễu loạn. Vì không thể chống trả, các chư thiên bước đường cùng phải tìm đến vị thần đứng đầu các vị thần là Shiva, nhờ cậy ngài ra tay tương trợ.

Hay chuyện, Shiva rất thương tâm. Thần liền tạo ra thần Murugan, hiện thân của ánh sáng và trí tuệ, lệnh cho Murugan dẫn dắt các chư thiên đánh bại Asura.

Rất nhanh chóng, Asura bị khuất phục, không còn tác quái nữa. Để bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng với thần Murugan, người Tamil mới mở lễ hội Thaipusam.

Thaipusam - Lễ hội hoang dại nhất thế giới: khi con người sẵn sàng chịu đau đớn để được an lành - Ảnh 1.

Toàn tâm chay tịnh suốt 48 ngày

Mỗi năm, Thaipusam đều đặn được tổ chức ngày 15/10 của lịch Tamil, khi ngôi sao Pusam nằm ở vị trí cao nhất. Nó thường rơi vào tầm tháng 1, 2 dương lịch.

Trước khi ngày Thaipusam diễn ra, các tín đồ nghiêm chỉnh tuân thủ quy tắc chay tịnh nghiêm ngặt trong suốt 48 ngày. Mỗi hôm, họ chỉ được phép ăn đúng một bữa, và đồ ăn cũng chỉ là món chay. Ngoài ra còn phải kiêng uống rượu, không quan hệ tình dục. Rồi thì cạo đầu, tắm bằng nước lạnh, ngủ trên sàn nhà và liên tục cầu nguyện.

Thaipusam - Lễ hội hoang dại nhất thế giới: khi con người sẵn sàng chịu đau đớn để được an lành - Ảnh 2.

Người ta tin rằng 48 ngày ăn chay và liên tục cầu nguyện này sẽ giúp không cảm thấy đau đớn – điều cực kỳ cần thiết với những gì sẽ xảy ra trong lễ rước kavadi của lễ hội sau đó.

Rước “gánh nặng” tưng bừng

Đến ngày Thaipusam, mọi người đều mang kavadi (tạm dịch: gánh nặng) ra đường, tụ tập thành đoàn diễu hành, đi bộ đến đền thờ thần Murugan.

Thaipusam - Lễ hội hoang dại nhất thế giới: khi con người sẵn sàng chịu đau đớn để được an lành - Ảnh 3.

Kavadi

Có khá nhiều loại kavadi. Loại đơn giản nhất là một bình sữa, được đội trên đầu giữ bằng tay. Loại phức tạp hơn là 2 mảnh gỗ hoặc thép uốn cong hình bán nguyệt, gắn trên một khung chữ thập. Chúng được vác trên vai hoặc cõng trên lưng, nặng nhẹ tùy ý, thường bọc thêm vải vóc và gắn hoa lá, lông vũ. 

Loại đặc biệt phức tạp là vel kavadi, nom y hệt một bàn thờ di động.

Tương truyền thuở xưa, thần Shiva đã giao cho hiền triết Agastya hai ngọn đồi là Shivagiri và Shaktigiri, bảo ông mang chúng tới đặt ở phía Nam Ấn Độ. Nhưng Agastya đã không tự tay làm mà sai đồ đệ là Idumban gánh chúng tới vị trí thần Shiva đã giao phó.

Idumban (trên) và thần Murugan (dưới)

Nửa đường, Idumban mệt nên đặt hai ngọn đồi xuống nghỉ tạm. Ai dè đến lúc đứng lên định đi tiếp thì không sao nhấc được chúng lên. Ông đành tìm người giúp và thấy một thanh niên ăn mặc khá là mát mẻ. Nào ngờ thanh niên này vừa thấy 2 quả đồi đã nhận vơ là của mình.

Cả hai tranh cãi nảy lửa và đánh nhau tưng bừng. Idumban thua, nhưng đó cũng là lúc ông nhận ra chàng thanh niên nọ chính là thần Murugan. Lúc này, Murugan đang trong thời gian “bỏ nhà đi bụi” vì tự ti trước anh trai siêu việt hơn là Ganapati, người đã thắng trong cuộc đua tìm trái cây kiến thức và trí tuệ. Ông dừng chân tại một ngọn đồi ở Palani, quyết định sống ẩn dật.

Chính Murugan là người khiến cho Idumban không thể nhấc hai quả đồi lên. Sau trận chiến khốc liệt, Idumban bị Murugan hạ gục và giết chết. Nhưng sau đó vị thần này lại hóa phép cho Idumban hồi sinh.

Cảm phục Murugan, Idumban bèn cầu xin thần ban cho mình hai điều ước. Thứ nhất là bất cứ ai vác kavadi (tượng trưng cho 2 ngọn đồi) đến viếng đền thờ thần Murugan đều sẽ được thần ban phước lành. Và thứ hai là hãy cho ông đặc quyền đứng gác ở lối vào đền thờ.

Chịu đâm để khỏe mạnh và can đảm hơn

Noi gương Idumban, các tín đồ thờ phụng Murugan mới vác kadari trên đường tới đền thờ thần, cầu mong ngài chứng giám cho hành động thành khẩn mà ban cho sức khỏe, cũng như sự an lành suốt cả năm.

Thaipusam - Lễ hội hoang dại nhất thế giới: khi con người sẵn sàng chịu đau đớn để được an lành - Ảnh 5.

Người rước cho biết anh không cảm thấy đau đớn gì

Trong lúc diễu hành, người ta cũng thực hiện nghi thức đâm, lấy các vật nhọn đâm vào các vùng da. Có người thậm chí chân trần bước đi trên than hồng.

Tín ngưỡng tôn thờ thần Muruga tin rằng, chính những vết đâm được thực hiện trong lễ hội Thaipusam hàng năm ấy sẽ giúp họ ngày càng khỏe mạnh, giàu có lòng can đảm hơn, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách trong cuộc sống.

Không chảy máu hay để lại thương tích

Ở Ấn Độ, các tín đồ sẽ diễu hành đến đền thờ thần Murugan ở Palani, nơi Idumban ngày xưa đã bị Murugan khuất phục.

Tại Malaysia, hàng trăm ngàn người Tamil sẽ vừa đi vừa nổi trống rầm rộ, tiến về phía bắc Thủ đô Kuala Lumpur, leo lên 272 bậc cầu thang để vào ngôi đền thờ thần Murugan nằm bên trong một hang động.

Tại Singapore, các tín đồ bắt đầu buổi diễu hành từ đền Sri Perumal, đi bộ khoảng 4km trên đường Serangoon đến đền Sri Thendayuthapani. Vừa đi, họ vừa đâm, tụng kinh và nhảy múa.

Sau đám rước chính, Thaipusam có thể tiếp tục kéo dài cả chục ngày.

Thaipusam - Lễ hội hoang dại nhất thế giới: khi con người sẵn sàng chịu đau đớn để được an lành - Ảnh 6.

Cái ấn tượng nhất ở lễ hội Thaipusam có lẽ là vel kavadi, một bàn thờ di động cao tới 2m, trang trí lộng lẫy. Bàn thờ được gắn thẳng vào cơ thể một tín đồ bằng 108 thanh kim loại đâm xuyên qua da thịt, nhưng lại không gây chảy máu và không để lại vết thương. Người mang vel kavadi cũng cho biết họ không hề cảm thấy đau đớn hay nặng nề gì cả, dù sự thật ra sao chỉ mình người đó biết thôi.

Tham khảo: CNN