Chuẩn bị cho chuỗi hoạt động Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng, huyện Thạch An xúc tiến nhiều hoạt động tăng sức hấp dẫn để đón đại biểu, khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm tuyến du lịch thứ 4 “Một thời hoa lửa”, trong khu vực CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Tuyến trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa” từ thành phố Cao Bằng – Thạch An – Quảng Hòa. Như tên gọi “Một thời hoa lửa” gợi liên tưởng đến hình ảnh dòng dung nham đỏ rực dâng lên từ trong lòng đất và chảy tràn khắp đáy đại dương… cách đây hàng trăm triệu năm, hình thành nên cảnh tượng đặc biệt tại đèo Khau Khoang, xã Thái Cường (Thạch An). Đồng thời, đây cũng là tuyến đường số 4 rực lửa Cao Bằng – Lạng Sơn – Quảng Ninh làm nên Chiến thắng Biên giới 1950 đánh bại quân Pháp với nhiều chiến công hào hùng của dân tộc ta.
Về di sản địa chất, diện mạo địa chất nơi đây có cảnh quan đặc sắc, phản ánh quá trình tiến hóa lâu dài với những biến động địa chất phức tạp cách đây hàng trăm triệu năm, cụ thể như: các hoạt động đứt gãy, quá trình chuyển biến của vỏ trái đất từ vỏ đại dương sang vỏ lục địa với nhiều hệ tầng dày hàng nghìn mét. Quá trình karst hóa tạo nên cảnh quan karst ấn tượng, chủ yếu là cảnh quan karst trưởng thành (dạng cụm đỉnh lũng, thung lũng mù karst, yên ngựa…) vừa có những đặc điểm “già” với đầy đủ các dạng địa hình khác nhau… Đến đây, du khách được trải nghiệm di sản núi lửa dưới đại dương cổ tại đèo Khau Khoang, xã Thái Cường (Thạch An), bắt gặp vết lộ đá basalt dạng cầu gối – sản phẩm phun trào núi lửa dưới đáy đại dương – rift Sông Hiến – hình thành khoảng 260 triệu năm dọc theo đứt gãy sâu phương Tây Bắc – Đông Nam Cao Bằng – Tiên Yên.
Tại thành phố Cao Bằng có những dấu tích của một môi trường sông – hồ – đầm lầy từ 28 – 38 triệu năm (Eocenmuộn – Oligocen sớm) với một hệ động thực vật đa dạng và phong phú đáng kinh ngạc trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Các hóa thạch điển hình như hóa thạch san hô (Thụy Hùng), lỗ tầng (Lê Lai)… là minh chứng cho quá trình địa chất lâu dài của một khu vực trước đây là biển sau đó được nâng lên. Những hóa thạch này có giá trị phác họa lại điều kiện địa lý – địa chất trong các giai đoạn phát triển của vỏ trái đất. Các điểm di sản diện mạo địa chất có giá trị tầm cỡ quốc tế minh chứng tầng địa chất cổ xưa nhất của vỏ trái đất được phát hiện là đá gabrodiabas phức hệ Cao Bằng tại Mỏ sắt Chu Trinh, xã Chu Trinh (Thành phố) đã lộ tại taluy đường đi vào mỏ, cao 2 – 4 m. Hồ hóa thạch thân mềm và than nâu trong trầm tích Neogen tại tổ 11, phường Sông Hiến (Thành phố) nằm ở phần dưới và trên lớp sét than màu đen, trên cùng có nhiều di tích hóa thạch thực vật hóa than và pelecypoda nước ngọt dạng trai, vẹm, trùng trục, họ Unionidae, lớp Bivalvia, ngành thân mềm.
Qua khảo sát, đánh giá lựa chọn của các nhà khoa học, cơ quan chức năng, huyện Thạch An có 8 di sản: Núi lửa dưới đại dương cổ, đèo Khau Khoang (xã Thái Cường), rừng cây di sản Vân Trình (xã Vân Trình), thung lũng karst – cơ sở sản xuất thạch đen truyền thống Lê Lai (xã Lê Lai), Hợp tác xã nông sản hữu cơ Vân An (xã Lê Lai), Trung tâm thông tin CVĐC Đông Khê, Di tích đồn Đông Khê (thị trấn Đông Khê), đỉnh núi Báo Đông (xã Đức Long), đại dương cổ – điểm hóa thạch lỗ tầng (xã Thụy Hùng).
Huyện Quảng Hòa có 3 di sản: Làng đường mía Bó Tờ, sản phẩm CVĐC xóm Bó Tờ; chùa Phật tích Trúc Lâm Tà Lùng, điểm hữu nghị Việt – Trung, thị trấn Tà Lùng. Thành phố Cao Bằng có 4 điểm: Trung tâm thông tin CVĐC, Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong (phường Đề Thám), mỏ sắt Chu Trinh (xã Chu Trinh), hồ hóa thạch thân mềm và than nâu trong trầm tích Neogen tại tổ 11, phường Sông Hiến.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An Nông Long Giang cho biết: Hội nghị quốc tế lần thứ 8 được tổ chức tại Cao Bằng là sự kiện quan trọng mở ra cơ hội mới cho huyện có dịp giao lưu, giới thiệu, quảng bá với đại biểu, khách trong nước và quốc tế giá trị di sản địa chất và văn hóa, lịch sử tuyến thứ 4 “Một thời hoa lửa” mà Thạch An là địa bàn trung tâm; đồng thời là cơ hội kết nối du lịch huyện với các tỉnh trong nước và quốc tế. Vì vậy, để tôn vinh thêm vẻ đẹp tuyến trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa”, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, thị trấn ra quân đẩy mạnh tuyên truyền và bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên môi trường, cảnh quan các điểm di sản CVĐC; dọn dẹp vệ sinh môi trường các điểm di sản cảnh quan; treo băng rôn, khẩu hiệu, cờ Tổ quốc… tại các khu trung tâm, các tuyến phố chính, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư. Xây dựng kế hoạch truyền thông tại cơ quan, đơn vị và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tuyên truyền các hộ đân, hợp tác xã tăng cường sản xuất sản phẩm OCOP như thạch đen, bí thơm, lê… để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương.
Chị Nông Thị Hoa, cơ sở sản xuất thạch đen thị trấn Đông Khê (Thạch An) cho biết: Được nghe tuyên truyền về Hội nghị 8 có giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp OCOP của huyện, gia đình tôi vừa thường xuyên duy trì làm thạch đen đồng thời tiếp tục tìm tòi công thức nấu thạch đen ngon đặc biệt nhất với 2 sản phẩm chính thạch đen hộp và thạch đen nhân đỗ xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm để đại biểu, du khách thưởng thức, giới thiệu và kết nối sản phẩm ra thị trường lớn hơn.
Nguồn Báo Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thach-an-ton-vinh-ve-dep-tuyen-du-lich-mot-thoi-hoa-lua-3171470.html