Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc: Con “ngáo ộp” chưa hù dọa được ai!

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc: Con "ngáo ộp" chưa hù dọa được ai!
Nhà máy đóng tàu Bột Hải nơi đang có sự hiện diện của 2 tàu ngầm lớp JIN chụp ngày 16/11/2018. Ảnh: Planet Labs.

Các nhà quan sát phương Tây đã đánh giá quá thấp số lượng tàu ngầm hạt nhân mà Trung Quốc đang phát triển nhưng lại đánh giá quá cao con số thực tế đang hoạt động.

Defense One – chuyên trang quân sự quốc phòng của Mỹ dẫn thông tin từ một phân tích mới đây của Công ty chụp ảnh Trái Đất Planet Labs cho biết, dường như chỉ có một nửa trong số các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo vũ trang hạt nhân (SSBN) của Trung Quốc đang hoạt động.

Theo chuyên gia Catherine Dill của Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Không phổ biến Hạt nhân James Martin thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey thì “những hình ảnh chụp tại Nhà máy Đóng tàu Bột Hải và Căn cứ Hải quân Longpo mà Planet Labs công bố chứng tỏ Trung Quốc vẫn chưa sở hữu được một sức mạnh răn đe trên biển đáng tin cậy”.

“Hai trong số 4 tàu ngầm lớp JIN (094) của Trung Quốc có vẻ như vẫn chưa hoạt động và đang trong quá trình bảo trì hoặc sửa chữa tại Nhà máy Đóng tàu Bột Hải. Điều đó cho thấy mức độ tin cậy về khả năng răn đe là rất đáng ngờ”, Catherine Dill nhấn mạnh.

Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc: Con ngáo ộp chưa hù dọa được ai! - Ảnh 1.

Căn cứ Hải quân Longpo nơi neo đậu nhiều tàu ngầm lớn JIN chụp ngày 16/11/2018. Ảnh: Planet Labs

Thông tin trên dường như trái ngược với báo cáo trong Đánh giá sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2018 của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như của Nhóm nghiên cứu Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) khi các cơ quan này cho rằng, Bắc Kinh đã sở hữu 4 tàu ngầm 094 đang hoạt động.

Tuy nhiên, Dill và công sự Jeffrey Lewis cũng nhận thấy, Trung Quốc đang đóng nhiều hơn một tàu ngầm hạt nhân so với con số từng biết tới trước đây.

Cụ thể, họ quan sát thấy có tổng cộng 5 thân tàu đang được sản xuất, 3 ở Căn cứ Hải quân Longpo và 2 ở Nhà máy Đóng tàu Bột Hải. Nếu như vậy, Trung Quốc vẫn bám sát lộ trình đạt mục tiêu sở hữu 8 chiếc như nước này đặt ra.

“Trung Quốc vẫn đang hiện đại hóa sâu rộng chương trình vũ khí hạt nhân của mình”, nhà nghiên cứu Dill nhận xét.

“Nước này đang có một sự tập trung lớn cho chương trình SSBN bởi tất cả các vũ khí hạt nhân của họ đều được chế tạo cho các hệ thống đặt trên đất liền. Việc mở rộng trang bị cho các tàu SSBN sẽ giúp Trung Quốc có được khả năng răn đe linh hoạt và đáng tin cậy hơn”.