Tất tần tật những thứ cần mua cho dịp Tết Đoan Ngọ ở Hà Nội năm nay

Dạo một vòng Hà Nội để sắm sửa cho Tết Đoan Ngọ năm nay mới thấy có quá nhiều thứ cần mua. Nếu còn chưa biết phải mua gì cho dịp Tết Đoan Ngọ này, hãy nghía qua list đồ ăn sau đây bạn nhé!

Tết Đoan Ngọ (hay Tết diệt sâu bọ) là ngày Tết diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Ở nước ta, Đoan Ngọ là Tết phát động diệt sâu bọ cho cây trồng, với mong muốn một vụ mùa bội thu, cũng là ngày loại bỏ các loại ký sinh bệnh tật khỏi cơ thể để tăng cường sức khỏe.

Vậy hãy cùng chuẩn bị cho một mùa Tết Đoan Ngọ tươm tất với loạt món ăn không thể thiếu trong dịp tết này kèm địa chỉ “bỏ túi” ở dưới đây nhé!

Bánh gio

Nghĩ đến Tết Đoan Ngọ là nghĩ đến bánh gio – thức quà dân dã vẫn gắn bó với văn hóa ngàn đời của dân tộc. Từng miếng bánh màu hổ phách óng ánh, trong suốt mềm dẻo, chấm cùng mật mía ngọt ngào. Mùi thơm từ gạo, từ mật, từ chút vị cỏ cây quyện cùng vị man mát thanh thanh đọng nơi cổ họng gây quyến luyến không ngừng. Không chỉ ngon và mang tính truyền thống, bánh gio còn giúp hạ nhiệt, làm mát ruột trong những ngày tháng 5 nắng nóng.Tham khảo thêm Canh sẵn mấy địa chỉ này để sáng mai đi mua bánh gio về ăn Tết Đoan Ngọ này

Bánh gio cô Hải 79 Phố Huế, 14 Hàng Bè hay 103 Quán Thánh là vài địa chỉ gợi ý nếu bạn muốn tìm những chiếc bánh gio thật chất lượng dịp Đoan Ngọ này.

Rượu nếp

Theo quan niệm của người dân, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ làm cho các ký sinh có hại trong cơ thể bị “say” và dễ dàng bị vị chua chát từ hoa quả “tiêu diệt”. Gạo được chọn để nấu rượu nếp là nếp cẩm hoặc nếp cái hoa vàng, đồ lên rồi ủ khéo trong vài ngày. Khi ăn, vị ngọt ngọt cay cay lan dần xuống bụng tạo cảm giác khoan khoái dễ chịu. Cơm rượu nếp ở miền Bắc là dạng hạt rời, khác với dạng viên ở miền Nam.

Bạn có thể ghé Chợ Hôm, chợ Nguyễn Công Trứ, vào ngõ Hàng Chai hoặc qua đối diện Nhà hát Tuổi Trẻ vào buổi sớm để tìm những phần rượu nếp thật ngon và chất lượng.

Mận

Với nhiều gia đình miền Bắc, việc đầu tiên phải làm vào sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ là ăn một vài quả mận để “giết sâu bọ”. Những quả mận được chọn phải tươi, căng mọng và nhẵn bóng, phủ một lớp phấn trắng mỏng. Cắn một miệng, vị chát từ vỏ quả kèm theo chút chua ngọt của phần thịt quả đỏ hồng tràn khắp khoang miệng, đủ sức tiêu diệt bất cứ một loại “sâu bọ” nào.

Mận đang vào độ chín rộ, bạn có thể ghé qua các khu chợ hoặc đặt mua mận ở các trang Facebook bán hàng online nhé!

Vải

Cũng như mận, vải là loại quả đặc trưng mùa hè được ưu ái chọn vào mâm cúng Tết Đoan Ngọ. Các bà, các mẹ tất bật đi chợ từ sớm, chọn những cành vải chín đỏ vẫn còn nguyên phần lá xanh, buộc thật khéo thành chùm bày mâm cỗ cúng cho thật tươm tất. Sau cùng nhặt thêm chút vải rời, thêm cùng mận là thành “liều thuốc” diệt sâu bọ buổi sớm cho cả gia đình.

Không chỉ có ở các chợ hay hàng hoa quả, vải còn được bán rất nhiều trên các hội nhóm ăn uống nữa đó!

Thịt vịt

Ở nhiều địa phương miền Trung, thịt vịt cũng là món ăn không thể thiếu mỗi dịp mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Bởi thịt vịt còn có tính hàn, được cho là có khả năng bổ máu, bồi bổ dạ dày, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Không chỉ vậy, đây là thời điểm vịt mập béo nhất trong năm, thịt nhờ đó mà mềm thơm hơn, bớt đi mùi hôi đặc trưng. Thịt vịt có thể chế biến thành nhiều món như làm tiết canh, luộc, nấu cháo hay làm gỏi vịt… vừa đủ trọn vẹn một mâm cỗ tụ họp gia đình.

Nếu không thể ra chợ để tự tay mua vịt về chế biến, bạn có thể mua vịt luộc ở Lộc Vịt 102 Quán Thánh, Thành Vịt 108 Nguyễn Khang hoặc vịt cỏ Nhung Hiền số 30 Đường Đôi Linh Đàm.