Tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Sáng 22.8, Sở GD&ÐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh một trong những trọng tâm của năm học mới là tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Bậc học mầm non còn khó khăn

Đánh giá của Sở GD&ĐT cho thấy, kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 – 2024 là thực hiện khá đồng bộ nhiệm vụ chủ yếu và các nhóm giải pháp cơ bản, tập trung triển khai hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Năm học 2024 – 2025, tiếp tục củng cố nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

– Trong ảnh: Một tiết học tại Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Quy Nhơn) trong năm học 2023 – 2024. Ảnh: H.ĐIỂM

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Hùng cho biết, năm học mới 2024 – 2025, toàn ngành tập trung 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, đáng chú ý là tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập. Triển khai thực hiện 2 nghị quyết của HĐND tỉnh về đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2022 – 2025; chính sách hỗ trợ cho học sinh xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) đang học tập tại các trường THPT của tỉnh. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy – học; đẩy mạnh giáo dục STEM. Tạo điều kiện cho giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được nâng chuẩn đào tạo…

Cụ thể trong giáo dục trung học, ông Vương Trường Quân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT), cho hay, năm học tới toàn ngành thực hiện chương trình GDPT 2018 ở tất cả khối lớp, trong đó tập trung chuẩn bị tốt nhất điều kiện triển khai đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình. Các phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp huyện thực hiện tốt việc tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018.

Trong khi đó, gặp khó khăn với chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, ông Man Đăng Mỹ, Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 81,97%, trẻ 5 tuổi đạt 100%, nhưng ở trẻ nhà trẻ chỉ đạt… 21,35%. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non còn thiếu, định mức giáo viên/lớp chưa đạt; không đủ phòng học để huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp; hiện còn 485 điểm lẻ, 607 lớp ghép, 17 trường có từ 6 điểm lẻ trở lên. Đây là thách thức lớn để đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ từ 3 – 5 tuổi.

Một trong những vấn đề  của năm học 2024-2025 là giải quyết khó khăn trường lớp cho bậc mầm non để phổ cập giáo dục mầm non.

– Trong ảnh: Trẻ mầm non trong tiết học tại Trường Màm non Hoa Hòng (Quy Nhơn). Ảnh: H. ĐIỂM

Từ đó, ông Mỹ nêu giải pháp: Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành các chính sách đặc thù của địa phương đối với giáo dục mầm non. Phối hợp với Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh ưu tiên, bố trí kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, đề án có liên quan đã được phê duyệt để đầu tư cho đổi mới, phát triển giáo dục mầm non; bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030 xây dựng bổ sung phòng học. Ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên mầm non…

Quan tâm đến chương trình giáo dục phổ thông 2018

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh năm học mới 2024 – 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; năm triển khai hoàn chỉnh chương trình GDPT 2018; cũng là năm tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới. Ngành GD&ĐT cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; triển khai hiệu quả Kết luận 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện NQ 29-NQ/TW đổi mới căn bản GD&ĐT.

“Một trong những trọng tâm là tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Cụ thể, cần rà soát, chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực để thực hiện chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 5, 9, 12; phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ sáng tạo của tổ chuyên môn trong thực hiện chương trình bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực chất. Tiếp tục quan tâm và triển khai hiệu quả công tác huy động trẻ đến trường; chuẩn bị các điều kiện để phổ cập mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng số lượng trường đạt chuẩn mức độ 2 và mức độ 3; phấn đấu 100% trường tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT tham mưu, đề xuất các giải pháp để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chuẩn mới; chủ động tham mưu tháo gỡ vướng mắc cơ chế tự chủ về tài chính… Toàn ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả trong quản trị trường học.

“Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng và hoàn thành việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và quản lý các cấp. Chú ý thực hiện tốt công tác tuyển dụng, thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chính sách và chế độ đối với giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT”, đồng chí Lâm Hải Giang nói.

M.HOÀNG – H.ÐIỂM

Nguồn Báo Bình Định: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=6&macmp=7&mabb=282202