Tạo “sức bật” cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số-Bài 1: Để người dân “an cư, lạc nghiệp”

Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao ở huyện Quảng Ninh. Nhiều bản làng, thôn xóm được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; giải quyết nhu cầu cấp thiết về đất ở, nhà ở; tạo sinh kế, đào tạo nghề, tạo việc làm…

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Ninh đã tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và quy hoạch, sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn các xã miền núi. Ðây được xem là “đòn bẩy” quan trọng góp phần nâng cao đời sống của ĐBDTTS trên địa bàn huyện.

Ổn định dân cư

Theo chân Hồ Hơn, Trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hoàng Thị Năm-hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo dự án “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” trên địa bàn xã Trường Xuân. Trước đây, gia đình bà Năm sống trong căn nhà tạm bợ đã xuống cấp. Nơi bà Năm sống là vùng thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Vào mùa lụt, hễ cứ mưa to là cả gia đình bà lại chuẩn bị đồ đạc để di chuyển đến tránh trú tại nơi cao hơn. Sau khi tiến hành rà soát, gia đình bà Năm thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Bà Năm chia sẻ, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, bà đã vay mượn thêm để xây dựng một ngôi nhà mới khang trang, kiên cố trên vùng đất cao ráo hơn. Từ nay, gia đình bà không còn phải lo “chạy lũ” mỗi mùa mưa bão đến. Có nhà mới vững chắc, các thành viên trong gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất.

Ngôi nhà kiên cố của bà Hoàng Thị Năm, bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân.
Ngôi nhà kiên cố của bà Hoàng Thị Năm, bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân.

Với địa hình đồi núi, nhiều sông suối, xã Trường Xuân thường xuyên xảy ra hiện tượng ngập lụt mỗi khi vào mùa mưa bão. Trước tình hình đó, xã luôn quan tâm rà soát những vị trí có nguy cơ bị ảnh hưởng, tập trung triển khai thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Trần Thanh Hiền cho biết, khi triển khai thực hiện dự án “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong diện thường xuyên bị ngập lụt, chịu ảnh hưởng của thiên tai di dời đến những nơi cao hơn để xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống. Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, xã Trường Xuân đã thực hiện hỗ trợ làm nhà cho 4 hộ dân và sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, thực hiện hỗ trợ cho các hộ thuộc diện bố trí xen ghép thuộc dự án.

Theo kế hoạch, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Ninh hỗ trợ 253 hộ dân trên địa bàn hai xã Trường Xuân và Trường Sơn ổn định chỗ ở. Trong đó, hỗ trợ xen ghép 49 hộ, ổn định tại chỗ 187 hộ và tái định cư tập trung 17 hộ; hoàn thành đầu tư, bàn giao đưa vào sử dụng 21 công trình giao thông, văn hóa, trường học, thủy lợi phục vụ ổn định dân cư. Hiện, huyện đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư 18 công trình phục vụ ổn định dân cư năm 2024-2025 theo kế hoạch vốn đã phân bổ.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nâng mức sống của ĐBDTTS. Trong đó, thực hiện dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, nhiều hộ gia đình người DTTS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà mới, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề… góp phần giúp ĐBDTTS nâng cao chất lượng cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quảng Ninh ngày càng được nâng lên.
Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Quảng Ninh ngày càng được nâng lên.

Trường Sơn là xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn nằm ở phía Tây huyện Quảng Ninh. Toàn xã có 1.273 hộ gia đình, 5.316 khẩu, được phân bố rải rác tại 19 thôn, bản; trong đó đồng bào Bru-Vân Kiều chiếm 62,97% dân số.

Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhiều ĐBDTTS trên địa bàn xã đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… nhờ đó đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, trên địa bàn xã có 5 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 7 hộ dân đang hoàn thiện các thủ tục, 21 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở, 224 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, UBND cũng xã đã thực hiện mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất cho 59 hộ dân tại các bản Ploang, Rìn Rìn, Nước Đắng, Hôi Rấy, Dốc Mây…

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo vùng ĐBDTTS mỗi năm giảm từ 4% trở lên, huyện Quảng Ninh sẽ tập trung ưu tiên giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho ĐBDTTS; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông-lâm-nghiệp bền vững; đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, huyện đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tất cả người dân, đặc biệt là ĐBDTTS nắm được, hiểu được và thực hiện có hiệu quả trong quá trình triển khai chương trình. Xác định nguồn lực đến đâu bố trí thực hiện nhiệm vụ đến đó, tránh tình trạng bố trí tràn lan, manh mún, không hiệu quả và không đúng đối tượng.

Thông qua dự án “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, giai đoạn 2022-2024, trên địa bàn huyện có 27 hộ dân được hỗ trợ đất ở, 113 hộ được hỗ trợ nhà ở, 57 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 189 hộ được hỗ trợ  chuyển đổi nghề và 280 hộ dân tại hai xã Trường Xuân và Trường Sơn được hỗ trợ nước sinh hoạt. Huyện cũng đã bàn giao đưa vào sử dụng công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Thượng Sơn, Liên Xuân và Đá Chát (Trường Sơn) và tiếp tục thực hiện công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Khe Dây, Khe Ngang và Hang Chuồn (Trường Xuân).

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi đã tác động tích cực đến đời sống của ĐBDTTS trên địa bàn huyện Quảng Ninh, bộ mặt nông thôn, bản làng vùng cao đã có sự “thay da đổi thịt”, hàng trăm hộ nghèo được “an cư, lạc nghiệp”.

Lan Chi

Nguồn Báo Quảng Bình: https://baoquangbinh.vn/phong-su/202408/tao-suc-bat-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-bai-1-de-nguoi-dan-an-cu-lac-nghiep-2220387/