Tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững

Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Ninh Bình đã phục hồi mạnh mẽ. Đây là kết quả của quá trình đổi mới, hiện đại nền hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển bình đẳng, bền vững.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch phát triển bền vững

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Sở đã chỉ đạo tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm lần 2 thêm 40 giờ giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục hành chính công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 1 sao, 2 sao, 3 sao đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch; tổng cắt giảm 48 giờ trong quy trình nội bộ.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của Sở Du lịch được thực hiện trên môi trường điện tử giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch của các tổ chức, cá nhân được nhanh chóng, thuận lợi và kịp thời. Đăng tải toàn văn nội dung Luật Du lịch, các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, các quyết định liên quan đến du lịch của UBND tỉnh và các thông tin du lịch của ngành như: Tài nguyên du lịch, dịch vụ du lịch, thông tin hỗ trợ du khách, các văn bản pháp luật liên quan và đặc biệt là 26 thủ tục hành chính theo thẩm quyền giải quyết của Sở trên Cổng thông tin điện tử Sở Du lịch để các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh du lịch truy cập, nắm bắt thông tin. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc xây dựng và đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cao theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001: 2015.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, ngành Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Đến nay, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch không ngừng phát triển. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 703 cơ sở lưu trú với khoảng 8.720 phòng nghỉ. Các cơ sở lưu trú được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại. Tiêu biểu là Khách sạn Ninh Bình Legend đã đón nhận danh hiệu 5 sao với quy mô 268 phòng nghỉ, 6 sảnh sự kiện lớn, quy mô 2.500 khách cùng với các nhà hàng Á, Âu sang trọng, dịch vụ chất lượng cao.

Các sản phẩm du lịch được đầu tư đa dạng, phong phú nhằm phục vụ nhu cầu của du khách. Nhiều sản phẩm du lịch mới của các doanh nghiệp được đưa vào vận hành và thử nghiệm đã thu hút nhiều du khách quan tâm như: Phố cổ Hoa Lư, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp…, góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19.

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Du lịch Phạm Duy Phong cũng cho biết: Nhận diện những khó khăn trước mắt của doanh nghiệp du lịch sau ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở Du lịch đã tập trung tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Theo thống kê của Sở Du lịch, năm 2022, ngành Du lịch đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội… tổ chức 14 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho gần 6.000 lao động du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, 1 lớp tập huấn marketing online xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch; 1 lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng du lịch cộng đồng, văn minh du lịch, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch; 2 lớp nâng cao ứng xử văn minh du lịch cho người dân làm du lịch và 4 lớp tuyên truyền tại một số trường học trên địa bàn tỉnh về giáo dục bảo vệ Di sản… Ngoài ra, Sở còn cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các lớp tập huấn về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, hội nghị Di sản do Cục Di sản tổ chức tại Hải Phòng. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực cạnh tranh cho đội ngũ làm du lịch trong phát triển du lịch gắn với hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu đến năm 2025, Ninh Bình thu hút được 8 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP, tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên. Đến năm 2030, thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP, tạo việc làm cho 43.700 lao động.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 12/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư đến cán bộ, công chức, người lao động trong toàn Ngành cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Du lịch từ công tác quản lý Nhà nước đến công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình tới khách du lịch trong và ngoài nước. Đầu tư cho công tác nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường khách du lịch và dự báo tình hình, định hướng phát triển du lịch, tổ chức điều tra, dự báo xác định tác động và đóng góp của ngành Du lịch Ninh Bình. Tích cực nghiên cứu chính sách, cơ chế về các khoản trợ cấp, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư làm du lịch… Đây là những giải pháp quan trọng nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, kinh doanh bền vững giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.

Nguyễn Thơm

Nguồn Báo Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tao-dieu-kien-cho-doanh-nghiep-du-lich-phat-trien-ben-vung/d20230306084252742.htm