Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Chỉ thị nêu, thời gian qua công tác truyền thông chính sách được quan tâm triển khai tích cực và thường xuyên trong quá trình xây dựng thực thi và hoàn thiện chính sách nhưng công tác này vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Trong đó, còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách.
Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Đầu tiên, thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027”.
Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách ở bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó xây dựng kế hoạch truyền thông hằng năm và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông từ khi hoạch định chủ trương, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành; nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông chính sách mới trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng linh hoạt, phù hợp vào hoàn cảnh của Việt Nam cũng là một trong các yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật…
Với các đơn vị như Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng yêu cầu chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ quan báo chí, truyền thông, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm;
Chủ động đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội; phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, đảm bảo những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí phải là dòng chảy chính. Xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành và địa phương trong công tác truyền thông chính sách, kỹ năng cung cấp thông tin cho báo chí, kỹ năng, quy trình, cẩm nang xử lý thông tin và ứng phó với khủng hoảng truyền thông trên không gian mạng.
Nguyễn Xinh
Nguồn Pháp luật Plus, Báo Pháp Luật Việt Nam: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/tang-cuong-vai-tro-truyen-thong-chinh-sach-trong-cac-don-vi-bao-chi-d191506.html