Ngày 29/3, tại TP Bắc Giang, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Bắc Giang và BTV Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và thống nhất các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giữa hai địa phương giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo.
Quang cảnh hội nghị. |
Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì.
Dự hội nghị có tập thể BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH và thủ trưởng một số sở, ngành của hai tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Thái nhấn mạnh, Bắc Giang và Thái Nguyên là hai tỉnh giáp ranh, cùng nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, quy hoạch vùng Thủ đô và trên địa bàn Quân khu 1. Với vị trí chiến lược quan trọng, thời kỳ tiền khởi nghĩa, hai tỉnh đã được Đảng, Bác Hồ lựa chọn làm nơi xây dựng các an toàn khu (ATK) cho cách mạng. Hai tỉnh đều được tái lập năm 1997 và có nhiều điểm tương đồng về diện tích, quy mô dân số, là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú.
Sau hơn 25 năm tái lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh, Bắc Giang và Thái Nguyên đều có bước phát triển tích cực, đạt nhiều kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đồng chí Dương Văn Thái phát biểu tại hội nghị. |
Những năm qua, hai tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác phát triển trên một số lĩnh vực như: Quy hoạch, kế hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, quốc phòng, an ninh… góp phần tích cực thúc đẩy liên kết vùng, liên vùng. Nổi bật đã cùng phối hợp đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thành nâng cấp đường địa phương thành quốc lộ (QL) 17 qua ba tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang – Thái Nguyên; cùng đầu tư mở mới tuyến kết nối hai tỉnh (tuyến QL 37- cầu Hòa Sơn – TP Phổ Yên; tuyến nối QL 37- QL 17 – Võ Nhai).
Trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có hơn 40 doanh nghiệp (DN) đã và đang là DN vệ tinh của Tập đoàn Samsung, trong đó có Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên. Hiện có khoảng 10 nghìn lao động của tỉnh Bắc Giang đang làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hai tỉnh đã tổ chức các đoàn khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch của ba tỉnh “Thái Nguyên – Bắc Giang – Quảng Ninh”. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu liên quan đến hai tỉnh.
Cùng nằm trong địa bàn Quân khu 1, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu và cả nước, lực lượng vũ trang hai tỉnh đã chủ động phối hợp, làm tốt chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tạo môi trường thuận lợi thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội nghị. |
Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng; chủ yếu mới dừng ở các nội dung hợp tác ngắn hạn để giải quyết một số vấn đề cụ thể thực tiễn đặt ra; còn thiếu các chương trình hợp tác mang tính chiến lược, tổng thể, lâu dài để thúc đẩy hai địa phương cùng phát triển.
Để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai tỉnh, tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trên các lĩnh vực.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải thông tin khái quát công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí cho rằng hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để lãnh đạo chủ chốt hai tỉnh đánh giá lại kết quả hợp tác; từ đó bàn, thống nhất các nội dung đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, bảo đảm toàn diện hơn, bài bản hơn, thực chất và hiệu quả hơn trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.
Đồng chí hy vọng kết quả của sự hợp tác giữa hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên là điểm sáng, là điển hình để các đồng chí lãnh đạo ở T.Ư lấy đó là ví dụ, góp phần vào sự phát triển chung của vùng và cả nước trong giai đoạn tới.
Tại hội nghị, BTV Tỉnh ủy Bắc Giang và BTV Tỉnh ủy Thái Nguyên thống nhất ký Biên bản ghi nhớ. Theo đó, hai địa phương tăng cường và mở rộng hợp tác toàn diện, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm bổ sung, hỗ trợ nhau phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Hai bên đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực công tác của HĐND, UBND; trong cải cách hành chính, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đại biểu HĐND và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp…
Phối hợp phát triển KT-XH theo hướng nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách của T.Ư; ban hành, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách liên quan.
Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh ký kết Biên bản ghi nhớ. |
Phối hợp xây dựng TP Thái Nguyên và TP Bắc Giang trở thành các cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Hợp tác chặt chẽ trong việc xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, trọng tâm là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, sản xuất thông minh, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường để hình thành vùng công nghiệp công nghệ cao của khu vực miền Bắc. Liên kết sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo chuỗi giá trị.
Đề xuất với T.Ư có cơ chế tiếp tục đầu tư, bảo tồn, phát triển các khu ATK Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang và ATK Thái Nguyên; liên kết, hợp tác, khảo sát kết nối các tour, tuyến du lịch giữa hai tỉnh.
Phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm trữ lượng, chất lượng nước hồ Núi Cốc và nguồn nước trên dòng chính sông Cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của cư dân vùng hạ du.
Phối hợp đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải sớm đầu tư nâng cấp tuyến QL17 từ thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế sang tỉnh Thái Nguyên và xây dựng cầu mới thay thế ngầm Tam Kha; đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khôi phục tuyến đường sắt Kép – Lưu Xá.
Hai tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu Hòa Sơn kết nối huyện Hiệp Hòa với thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên).
Đại biểu hai tỉnh chụp ảnh lưu niệm. |