Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về công viên địa chất

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng không chỉ quyến rũ bởi vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ mà còn hấp dẫn bởi những địa danh lịch sử, bề dày văn hóa độc đáo của các dân tộc. Thời gian qua, bên cạnh việc bảo tồn và phát triển di sản, công tác tuyên truyền quảng bá và nâng cao nhận thức cộng đồng được triển khai đa dạng và phong phú, góp phần đưa hình ảnh non nước Cao Bằng đến với du khách trong nước và quốc tế.

Danh thắng Thác Bản Giốc.

CVĐC non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2, gồm các huyện: Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích của 3 huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. CVĐC là nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài lên đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này. Nơi đây có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế. Với 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, khu vực CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có hệ động, thực vật đa dạng cả về giống loài và loài quý hiếm, có rất nhiều giống loài trong khu vực có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến Cao Bằng luôn được chú trọng. Các hoạt động quảng bá về CVĐC được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Năm 2022, Ban quản lý CVÐC Non nước Cao Bằng thực hiện 7 video clip quảng bá hình ảnh và hoạt động của CVĐC; phát hành định kỳ Bản tin CVĐC; thiết kế tài liệu hướng dẫn và tờ rơi 3 tuyến du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Theo đó, hình ảnh các điểm đến, dịch vụ du lịch được thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến du khách thông qua việc phát hành các ấn phẩm như: Video “Khám phá miền non nước Cao Bằng”, “Cao Bằng miền cổ tích”, “Những nét đặc trưng trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng” (song ngữ Việt – Anh); sách ảnh “Non nước Cao Bằng – Xứ sở thần tiên”; Cẩm nang du lịch Cao Bằng; tập gấp “Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó”; tờ gấp “Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950”; tờ gấp “Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén”; tờ gấp “Danh thắng quốc gia hồ Thang Hen – núi Mắt Thần”; bản đồ du lịch Cao Bằng; các số bản tin, các tập gấp ba tuyến, sách hướng dẫn ba tuyến của CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng (song ngữ Việt – Anh); tập ảnh đẹp miền non nước Cao Bằng…

Thường xuyên đăng tải các bài viết, chia sẻ thông tin quảng bá trên trang caobanggeopark.com, Facebook: https://m.facebook.com/Công viên địa chất non nước Cao Bằng và mạng xã hội Istagram caobanggeopark. Năm 2022, trang web caobanggeopark.com thu hút hơn 670.000 lượt truy cập. Các cơ quan báo chí địa phương tích cực tuyên truyền, quảng bá các bài viết, phóng sự về đất và người Cao Bằng, về du lịch địa phương, các điểm đến trong vùng CVĐC. Ðài Phát thanh và Truyền hình thực hiện hơn 200 chuyên mục “Du lịch Non nước Cao Bằng”, “Cao Bằng non nước ngàn năm”, “Thông tin đối ngoại”, “Cao Bằng tiềm năng và phát triển” và 9 clip phát trên cụm thông tin thác Bản Giốc… Báo Cao Bằng duy trì các chuyên mục: Du lịch, Văn hóa, Non nước Cao Bằng, CVÐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; trong năm 2022, đăng tải trên 600 tin, bài, ảnh, clip tuyên truyền về việc triển khai các nhiệm vụ công tác xây dựng và phát triển CVÐC Non nước Cao Bằng trên các ấn phẩm… Các huyện làm tốt công tác tuyên truyền về CVÐC, giúp nhân dân địa phương nhận thức được từ lợi ích từ phát triển CVÐC toàn cầu, nêu cao trách nhiệm chung tay bảo vệ, xây dựng các điểm di sản địa chất, văn hóa trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhằm tạo sức lan tỏa rộng khắp và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm bảo vệ CVĐC cho thế hệ trẻ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức di sản CVĐC cho học sinh các trường THCS, THPT; 186 trường THCS, 30 trường THPT xây dựng kế hoạch triển khai lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về CVĐC thông qua các buổi họp hội đồng, thông tin trên bảng tin, website, treo băng rôn, khẩu hiệu tại trường học, hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp; lồng ghép các nội dung giáo dục tuyên truyền vào chương trình giáo dục các cấp học, các môn học, bài học cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến bao gồm trực tiếp và trực tuyến hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sân khấu hóa, vẽ tranh, thi hùng biện Tiếng Anh… tạo hứng thú học tập, khơi gợi khả năng sáng tạo và nâng cao trách nhiệm bảo vệ văn hóa truyền thống của học sinh. Các học sinh được nâng cao ý thức về việc sử dụng, khai thác hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên địa chất, sinh học, văn hóa và môi trường. Hướng dẫn và trang bị cho các em những kiến thức, thông tin về các điểm di sản địa chất, văn hóa, các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực cho việc tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng ngoài giá trị địa chất, địa mạo còn có những giá trị văn hóa phi vật thể. Với những kiến thức đã được học, các em học sinh chính là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền về CVĐC đến với mọi người. Và từ đó, các em cũng có trách nhiệm hơn chung tay gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên của quê hương.

Cùng với công tác xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐC, công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực đưa hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được bạn bè trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Hiện nay, các cấp, ngành, chính quyền địa phương tăng cường  triển khai công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh, để các giá trị di sản trở thành một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

M.T

Nguồn Báo Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-quang-ba-ve-cong-vien-dia-chat-3161379.html