Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những thủ đoạn của tội phạm mua, bán người; thực hiện nghiêm công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua, bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua, bán… là những giải pháp hữu hiệu đang được các cấp chính quyền và lực lượng chức năng của tỉnh triển khai đồng bộ để ngăn chặn tình trạng mua, bán người trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, trong năm 2022, với sự chủ động của các ngành, địa phương nên công tác phòng, chống tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt 98,3%, riêng tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. 100% tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, thụ lý. Không để xảy ra tình trạng tội phạm hoạt động phức tạp, lộng hành; không để phát sinh điểm nóng về trật tự xã hội; nhiều vụ án về hình sự, ma túy, mua, bán người được triệt phá. Trong đó, đối với tội phạm mua, bán người, năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện, tiếp nhận 8 vụ với 10 bị can.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thàng Tín (Hoàng Su Phì) tuyên truyền phòng, chống mua, bán người cho nhân dân các xã biên giới. |
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Thèn Ngọc Minh cho biết: Là huyện biên giới với phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, bộ đội Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua, bán người tới các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua, bán người như trẻ em, phụ nữ, người thiếu hiểu biết. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách phát triển KT-XH, giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm, giảm nghèo cho nhân dân.
Thời gian qua, lực lượng Công an, bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành thực hiện tốt công tác nghiệp vụ; bám sát địa bàn, đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn từ nội địa – khu vực biên giới – ngoại biên; tăng cường thu thập thông tin trên “không gian mạng”; phối hợp tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng mua, bán người; xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Tăng cường quản lý cư trú; kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh cho thuê lưu trú (nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn), nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí, các điểm du lịch, địa bàn giáp ranh nơi tội phạm thường lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng để tập kết nạn nhân trước khi bán ra nước ngoài để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua, bán người.
Hiện nay, tỉnh ta có cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Nạn nhân sau khi tiếp nhận được bố trí nơi ở tạm thời, đảm bảo ăn uống hàng ngày, quần áo, đồ dùng cá nhân, khám và điều trị bệnh, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, hướng nghiệp – dạy nghề và hỗ trợ tiền ăn, đi đường cho nạn nhân trở về nơi cư trú. Trong giai đoạn 2018 – 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với lực lượng chức năng tiếp nhận, xác minh 58 nạn nhân mua, bán người đưa về các địa phương và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng theo quy định. Đồng thời, duy trì vận hành đường dây nóng phòng, chống mua, bán người kết nối với tổng đài 111 của Trung ương, đặt tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh để tiếp nhận các thông tin và xử lý, hướng dẫn, hỗ trợ nạn nhân có nguy cơ bị mua, bán.
Đặc biệt, việc hỗ trợ nạn nhân sau khi trở về địa phương luôn được các cấp, ngành, tổ chức chính trị – xã hội phối hợp triển khai hiệu quả. Cụ thể, các nạn nhân được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, chăn nuôi trâu, bò, dê, trồng cây ăn quả… Qua đó, giúp họ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Vừ Thị G, xã Du Tiến (Yên Minh) – nạn nhân mua, bán người chia sẻ: “Do thiếu hiểu biết, năm 2021 tôi đã bị các đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc, rất may sau đó tôi đã được cơ quan chức năng hai nước giải cứu. Từ khi trở về với gia đình, tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Hội Phụ nữ xã. Tôi còn được hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi. Sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành và gia đình là nguồn động viên rất lớn để tôi vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các giải pháp đồng bộ được triển khai đã góp phần kiềm chế, kéo giảm tình trạng mua, bán người trên địa bàn tỉnh; tạo môi trường ổn định để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Nguồn Báo Hà Giang: http://www.baohagiang.vn/phap-luat/202303/tang-cuong-phong-chong-mua-ban-nguoi-3de3b50/