Thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng trong phát triển kinh tế. Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư hạ tầng TMĐT phục vụ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp kết nối cung cầu các sản phẩm hàng hóa, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra thường xuyên và phát triển mạnh mẽ trong các tổ chức, cá nhân, làm thay đổi nhanh chóng phương thức kinh doanh từ truyền thống sang hình thức TMĐT: Tư duy về mua bán trao đổi hàng hóa và thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi theo xu thế của xã hội, rất nhiều giao dịch, hàng hóa, dịch vụ được thực hiện thông qua hình thức mua sắm trực tuyến qua các kênh TMĐT như: Sàn giao dịch TMĐT, các ứng dụng TMĐT, mạng xã hội Facebook, Instagram, Zalo. Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh số người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 38,1%, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ tài chính – ngân hàng điện tử đạt 24,8%; tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 90%. Đã có 23.099 tài khoản thanh toán được mở trong đoàn viên, thanh niên, đạt 115,5% so với chỉ tiêu đề ra.
Nhân viên VietinBank Ninh Thuận hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Phan Bình
Thực hiện Chương trình phát triển TMĐT của tỉnh, Sở Công Thương đã hỗ trợ các DN xây dựng và tối ưu hóa website để quảng bá, tiếp thị trực tuyến. Từ khi xây dựng đến nay, có 50 DN đã lên các sàn TMĐT trong nước. Hỗ trợ 3 DN xuất khẩu tham gia sàn TMĐT nước ngoài Alibaba; xây dựng 7 bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm OCOP, đặc thù của tỉnh. Đã thực hiện thu thập thông tin và mở 17.542 tài khoản mua, bán trên sàn Postmart, có 61 gian hàng (tài khoản bán) với 195 sản phẩm. Triển khai vận hành khai thác sử dụng sàn TMĐT tỉnh với tên miền sanphamninhthuan.com; 100% DN đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, hơn 100% DN đã cập nhật và triển khai hóa đơn điện tử, các nền tảng số như: Giải pháp cho DN, quản trị DN, quản lý nhân sự, quản trị bán hàng, văn phòng thông minh, trường học trực tuyến, họp, hội nghị trực tuyến, phòng khám thông minh,… đã hỗ trợ triển khai đến cho khoảng 250 DN trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa hoạt động TMĐT đi vào cuộc sống
Hiện nay, hệ thống viễn thông internet của tỉnh đảm bảo triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến gồm: Thanh toán thông qua thẻ, thanh toán trên internet, thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động. Theo đó, phát triển TMĐT đã mang lại lợi ích không nhỏ cho DN, thông qua kênh phân phối trên sàn TMĐT. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Các hoạt động TMĐT bước đầu đã hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT, loại hình DN với người tiêu dùng trên địa bàn. Trong đó, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ qua phương tiện điện tử; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử. Hoạt động thanh toán tiền điện, điện thoại, internet, nước sạch, bảo hiểm… cũng được nhiều DN thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ, giảm thời gian cho người dân, tạo thuận lợi cho khách hàng, giảm thời gian và chi phí đôi bên.
Khách hàng chọn mua sản phẩm đặc thù trên sàn thương mại điện tử tỉnh.
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện phần lớn DN trên địa bàn đã sử dụng các phần mềm phục vụ hoạt động TMĐT, mua bán trực tuyến, số lượng đơn hàng trực tuyến tăng lên hằng năm. Hoạt động TMĐT đã giúp DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, còn người dân thì biết nhiều hơn về hoạt động mua hàng trực tuyến. Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về ứng dụng TMĐT, từng bước nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước và kỹ năng kinh doanh cho cán bộ quản lý của DN. Thông qua lớp tập huấn cập nhật thêm kiến thức về TMĐT, hàng lang pháp lý cũng như quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm, giúp các DN cập nhật thông tin, kỹ thuật, giải pháp mới về TMĐT.
Là đơn vị cung cấp hàng hóa tiêu dùng lớn trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, siêu thị Co.opmart Thanh Hà tập trung đẩy mạnh các dịch vụ tiện ích cho khách hàng thông qua các kênh Zalo, Fanpage, đặc biệt là dịch vụ đặt hàng trực tuyến – nhận hàng tại nhà. Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Giám đốc Siêu thị cho biết: Sau đợt dịch COVID-19, nhu cầu người dân mua hàng trực tuyến gia tăng, vì thế đơn vị đã tập trung ứng dụng TMĐT để phát triển hình thức bán hàng trực tuyến, chú trọng chất lượng sản phẩm, nâng cao kỹ năng quản trị, xử lý đơn hàng, nắm bắt nhu cầu khách hàng để thuận lợi trong quá trình giao dịch.
Theo Sở Công Thương, hiện nay thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Người tiêu dùng đã dần chuyển sang mua sắm trực tuyến và rất nhiều DN, cơ sở sản xuất, phân phối bán lẻ trong tỉnh nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến, cải tiến sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, giải pháp phát triển TMĐT trong thời gian tới là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT, tăng cường hỗ trợ DN, nhất là DN vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng tham gia giao dịch TMĐT.