Bill Gates bị coi là không tôn trọng phép tắc, là một đứa trẻ cá biệt. May mắn thay, Bill Gates có một bà mẹ vĩ đại.
Bill Gates từng là học sinh cá biệt
Chúng ta có từng nghi ngờ vào những điều mà chúng ta vẫn tin là quy tắc bất biến của cuộc sống? Chúng ta có từng nghi ngờ vào những sự sắp xếp và những lời dạy bảo của bố mẹ và thầy giáo không? Chúng ta có từng nghi ngờ những lời nói về sự thành đạt của thần tượng của chúng ta không?
Có thể nói một cách khẳng định rằng, rất nhiều người chưa từng bao giờ nghi ngờ. Đặc biệt là với những kinh nghiệm, chuẩn mực đã được những người thành đạt nghiệm chứng và cho rằng có hiệu quả, chúng ta lại càng tin tưởng. Những lời khuyên và cảnh báo của họ trở thành sợi dây cao áp mà chúng ta không dám chạm tới. Thế là có không ít thanh niên chỉ đi trong cái ranh giới đã được người thân, thầy giáo, bạn bè, thần tượng vẽ sẵn mà không suy nghĩ gì, để tránh bị thất bại, tránh bị tổn thương.
Bởi vậy, khi còn rất nhỏ, chúng ta đã quen với việc tiếp nhận rất nhiều câu từ như: kẻ ngốc nói mơ, làm người phải biết thân biết phận, làm người phải thật thà, phải thực tế, đi từng bước, cần cù sẽ được đền đáp, con người có số, suy nghĩ lung tung chẳng ích gì, làm những việc mình nên làm, làm những việc mình có thể làm, thành công có điều kiện của nó…
Tóm lại, nếu họ nói là phải đi bộ thì bạn đi bộ, phải qua cầu thì qua cầu, phải đi ngựa thì đi ngựa, đũa mốc không được chòi mâm son.
Những người tuân thủ quy định, hiểu biết, nghe lời, phục tùng, vẫn luôn được cho là những đứa con ngoan, những học trò ngoan, nhân viên tốt. Chúng ta đã quen chấp nhận những tiêu chuẩn ấy một cách vô thức, đồng thời cũng đem những tiêu chuẩn đó ra làm thước đo xem chúng ta nên làm việc gì, không nên làm việc gì. Hãy suy nghĩ theo hướng ngược lại, chúng ta làm như vậy có phải là mong muốn thực sự của bản thân chúng ta hay không? Làm như vậy có thực sự chịu trách nhiệm với cuộc đời của chúng ta hay không? Chưa chắc!
Khi còn nhỏ, Bill Gates bị coi là không tôn trọng phép tắc, là một đứa trẻ cá biệt. May mắn thay, Bill Gates có một bà mẹ vĩ đại. Vào “Ngày của mẹ” năm 1975, Bill Gates khi đó đang học tại Đại học Harvard gửi tặng mẹ một tấm bưu thiếp:
“Con yêu mẹ! Từ trước đến nay chưa bao giờ mẹ bảo con kém hơn những đứa trẻ khác, mẹ luôn tìm kiếm những điểm đáng để khích lệ trong những việc con làm. Con luôn nhớ về tất cả những ngày tháng con được ở cùng mẹ”.
Lớn lên trong sự phủ định
Nghĩ lại, chúng ta hầu như đều lớn lên trong sự phủ định của một số người. Dù chúng ta chăm chỉ như thế nào thì trong mắt bố mẹ vẫn chưa phải là tốt nhất; dù chúng ta nỗ lực như thế nào thì thầy giáo vẫn tìm ra những điểm chưa đạt yêu cầu. Trong mắt của người đi trước, suy nghĩ của giới trẻ đều non nớt, chưa trưởng thành, nhất định sẽ thất bại.
Các chuyên gia tâm lí Mỹ từng làm một cuộc điều tra: Ai là người làm bạn tổn thương nhất? Kết quả điều tra thật bất ngờ, đứng ở vị trí cao nhất là “bố mẹ”, đứng vị trí thứ hai là “anh chị em”, thứ ba là “con cái”. Bố mẹ, anh chị em, con cái là những người thân cận nhất của chúng ta, tại sao lại là người làm ta “tổn thương nhất?”.
Thực ra nếu suy nghĩ thật kỹ thì quả đúng như thế. Họ là những người luôn cho rằng họ xứng đáng có quyền giúp chúng ta lựa chọn, quyết định, họ thích phán đoán người khác nên làm thế này, không nên làm thế kia dưới góc độ, kinh nghiệm, nhận thức, lập trường của bản thân.
Những người này, thường quen với việc làm phức tạp hóa những chuyện đơn giản, làm cho những việc dễ dàng trở nên khó khăn, khiến cho lớp trẻ cảm thấy thật khó khăn để thực hiện được suy nghĩ của mình, để từ đó thể hiện quyền uy và sự chính xác của họ. Trên thực tế, lời khuyên của bất kỳ ai cũng đều xuất phát từ mục đích của chính họ, nhưng lại chụp cho nó một cái mũ với danh nghĩa là vô tư.
Lãnh đạo giáo dục nhân viên quen với công việc, nói là vì đại cục; giáo sư giảng bài cho sinh viên đều là những lời cao siêu khó hiểu, để thể hiện học vấn uyên bác của mình; những người thành đạt nói về thành công, liệt kê những ví dụ để chứng minh mình là thiên tài.
Chúng ta làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau, muốn thắng sợ thua, những thái độ đó đều liên quan đến những quan niệm, những sự giáo dục mà chúng ta tiếp nhận. Chúng ta không dám hỏi bản thân mình có bao nhiêu trong số những điều mà chúng ta coi là chân lí là thực sự đúng đắn? Thành công trong cuộc đời có khó đạt được đến thế không? Có phải chỉ dành cho những thiên tài hay không?
Trên thực tế, những việc mà chúng ta cho rằng chúng ta không làm được là những việc mà chúng ta đã không làm; những việc chúng ta cho rằng rất khó khăn là những việc chúng ta không dám làm, vì thế mới trở nên khó khăn.
(*) Nội dung tham khảo cuốn sách: Bí quyết thành công của Bill Gates – Khảm Sài Nhân.