Tại sao nhiều người vẫn thích dùng Office 2003, bộ ứng dụng văn phòng “cổ lỗ sĩ” của Microsoft?

Đã 15 năm kể từ ngày ra mắt nhưng vẫn còn rất nhiều người vẫn không chịu từ bỏ Office 2003, phần mềm văn phòng được xếp vào nhóm “cổ đại” của Microsoft.

Microsoft Office 2003 là bộ ứng dụng văn phòng được Microsoft phát triển và phân phối cho hệ điều hành Windows, phát hành ngày 19/8/2003 và chính thức bán lẻ vào ngày 21/10/2003. Đây là sản phẩm kế thừa Office XP và tiền thân của Office 2007.

Nhưng đã 15 năm trôi qua, đây vẫn là một trong những sản phẩm vẫn được lưu hành và sử dụng rộng rãi nhất của Microsoft. Không rõ gã khổng lồ Mỹ sẽ vui mừng vì sản phẩm lâu đời của mình vẫn còn được ưu ái, hay thất vọng khi các phiên bản nâng cấp Office sau đó không được người dùng chú ý.

Không có một khảo sát cụ thể và chính xác nào nhưng theo chia sẻ từ chính cộng đồng mạng, rất nhiều người thậm chí các tổ chức, công ty vẫn đang sử dụng phiên bản Office này để làm việc.

“Tôi là một luật sư và sử dụng Word và Excel hàng ngày. Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn không tìm ra thứ gì giúp mình làm việc hiệu quả hơn phiên bản Office 2003. Đó chính là sự hoàn hảo, theo như tôi nghĩ”, người dùng có tên Patrick Oegerle chia sẻ trên trang hỏi đáp Quora.

Tại sao lại có chuyện như vậy xảy ra, khi mà Microsoft đã ra mắt tới phiên bản Office 2019?

Tại sao nhiều người vẫn thích dùng Office 2003, bộ ứng dụng văn phòng cổ lỗ sĩ của Microsft? - Ảnh 1.

Các trình đơn cổ điển của Office 2003.

Theo PCWorld, một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng kỳ lạ này, chính vì bởi đây là phiên bản Office với định dạng file “.doc” cuối cùng này vẫn còn sử dụng các menu dạng cổ điển, trái ngược với các trình đơn dạng Ribbon sau đó, trên các phiên bản .docx.

Trình đơn cổ điển trên Office 2003 được thiết kế dựa theo tiêu chuẩn CUA do IBM phát triển từ năm 1987. Nó được sử dụng phổ biến cho giao diện người dùng trên tất cả các ứng dụng phần mềm Windows, OS/2, MVS, VM và OS/400 (còn gọi là IBM i). Nó có các lệnh phổ biến như Tệp, Lưu, Thoát, In, Cắt, Sao chép, Dán, Chỉnh sửa, Xem, Trợ giúp và hàng trăm thứ khác. Tất cả phải tuân theo cùng một thiết kế cho mọi chương trình, bất kể thể loại nào.

Các tiêu chuẩn CUA giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu các chương trình phần mềm, bởi tất cả chúng đều có các menu, hộp thoại, phím tắt… Chính nhờ vào tiêu chuẩn này mà chúng ta có các tổ hợp phím như Ctrl + X, Ctrl + C và Ctrl + V để cắt, sao chép và dán trong các phần mềm như Word, Excel, Photoshop, Corel Paint, Quicken và hàng trăm chương trình khác.

Tại sao nhiều người vẫn thích dùng Office 2003, bộ ứng dụng văn phòng cổ lỗ sĩ của Microsft? - Ảnh 2.

Trình đơn dạng Ribbon khiến người dùng phải học lại cách sử dụng các phần mềm quen thuộc.

Nhưng sau đó, Microsoft chuyển sang trình đơn dạng Ribbon (hay còn gọi là ruy-băng) trên các phần mềm trong bộ Office. Thanh thực đơn mới chứa các cụm lệnh, được trình bày thành các nhóm chính như: Home, Insert, Page Layout, Formulas, Data, Reviews, View, Developer, Add-Ins. Khi mới ra mắt, phong cách thiết kế mới này bị nhiều người dùng “ghét cay ghét đắng”. Bởi nó đã thay đổi hoàn toàn thói quen sử dụng so với trước đây, cũng như “phức tạp hóa” một số thao tác vốn đang rất đơn giản.

Tất nhiên, Ribbon cũng mang tới những tính năng mới mẻ và tiện dụng, phù hợp với các đòi hỏi mới ngày càng đa dạng của người sử dụng. Nhưng không phải tất cả, một số lượng lớn người dùng không cần tới chúng và cảm thấy vẫn thỏa mãn với menu cổ điển mà Office 2003 mang lại.

“Tôi sử dụng chuột bằng tay phải và các phím tắt bằng tay trái mà không hề nghĩ gì về chúng”, một nhân viên văn phòng chia sẻ về Office 2003. “Chỉ với bàn phím và chuột, hiệu suất làm việc của tôi nhanh gấp đôi so với mọi người. Nhưng tôi không thể làm điều đó với các menu Ribbon”.

“Sau một vài năm sử dụng Office 2013 và trước đó là Office 2010, tôi đã quay lại sử dụng phiên bản 2003. Lý do ư? Bởi nó rất tốt. Các phiên bản sau tải rất chậm dù hỗ trợ một số tính năng nhưng rõ ràng tôi không sử dụng nhiều tới chúng. Khi cần, tôi sẽ sử dụng các phiên bản mới trên máy tính của con gái mình. Office 2003 tải siêu nhanh. Điều khó hiểu duy nhất là Outlook 2003 rất tệ”, một người khác chia sẻ.

Những người dùng khác cũng đưa ra các lập luận tương tự và thề rằng họ sẽ không bao giờ hiểu được thanh thực đơn mà Microsoft đã cải tiến. Nhưng nhà phát triển thì luôn hướng về phía trước và chấp nhận bỏ lại những người dùng không chịu thay đổi ở phía sau. Ít nhất, Microsoft vẫn không xóa bỏ hoặc ngăn chặn một cách hoàn toàn phần mềm Office cũ kỹ này, điều mà công ty có thể làm nếu thực sự muốn.

Tại sao nhiều người vẫn thích dùng Office 2003, bộ ứng dụng văn phòng cổ lỗ sĩ của Microsft? - Ảnh 3.

Nhiều người vẫn tìm cách cài và sử dụng các phần mềm cũ trên những thiết bị hiện đại.

Hỗ trợ chính cho Office 2003 đã kết thúc vào ngày 14/4/2009 và hỗ trợ mở rộng đã kết thúc vào ngày 8/4/2014, cùng ngày Microsoft kết thúc việc hỗ trợ cho Windows XP. Nhưng điều đó không ngăn cản được việc mọi người vẫn tìm kiếm và cài đặt Office 2003.

Hiện tại, với hệ điều hành Windows 10, người dùng vẫn có thể cài đặt và sử dụng Office 2003. Tất nhiên, việc cài đặt cũng có một chút phức tạp nhưng không tới nỗi làm khó được những người quyết tâm muốn sử dụng nó. Chuyện xung khắc giữa chuẩn .doc và .docx cũng không phải là vấn đề to lớn với các phần mềm hoặc website hỗ trợ chuyển đổi online.

Tham khảo PCWorld