Tái đề cử sông Hương là di sản cảnh quan văn hóa thế giới

Các chuyên gia kiến nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế sớm có giải pháp xây dựng đô thị di sản trên cơ sở bảo tồn toàn vẹn quần thể di tích cố đô Huế và hoàn thiện hồ sơ tái đề cử sông Hương vào danh mục công nhận di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO.

z4591142902016_6c8269b5e0fd3b4e4928c99526b2acd0.jpg
Sông Hương đoạn chạy qua TP Huế.

Ngày 9/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức hội thảo “Nghiên cứu giá trị cảnh quan văn hóa di sản Huế và các vùng phụ cận trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế”.

Tại hội thảo, ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với WIURS và hai bên đã tiến hành nghiên cứu về giá trị, đặc điểm, tiềm năng đặc biệt của cảnh quan văn hóa và môi trường lịch sử – sinh thái tại các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương. Phạm vi nghiên cứu chủ yếu tại 4 khu vực lăng tẩm triều Nguyễn và đặc biệt là khu vực lăng vua Gia Long cùng vùng phụ cận.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nội dung, kết quả nghiên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm và tiềm năng cảnh quan văn hóa, môi trường lịch sử và cảnh quan di tích dọc lưu vực sông Hương bao gồm việc làm rõ, xác định và điều chỉnh khu vực bảo vệ 1 (vùng lõi), khu vực bảo vệ 2 (vùng đệm) và các vùng chuyển tiếp kết nối các di tích quan trọng để tạo ra các khu vực bảo vệ cảnh quan văn hóa và giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Di tích Cố đô Huế, bảo đảm bảo tồn hài hòa với mục đích và định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản trình bày 10 tham luận, tập trung phân tích, chia sẻ các vấn đề về quản lý vùng đệm và tour nghiên cứu sinh thái tại cảnh quan văn hóa Sơn Thủy. Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế nhìn từ quá trình quy hoạch, xây dựng Kinh đô Huế trong lịch sử. Phân tích về kết nối trực quan của những địa điểm linh thiêng bằng cách sử dụng hệ thống thông tin địa lý và xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ hợp tác. Quy hoạch về môi trường của lăng các vị Hoàng đế thông qua việc giải mã bản đồ minh họa lăng vua Gia Long và lăng vua Minh Mạng. Đánh giá về công nghệ phù hợp được kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống với hiện đại hỗ trợ hệ thống quản lý nước tại lăng tẩm của 4 vị vua đầu triều Nguyễn. Thực trạng và vai trò của vùng đệm trong việc quản lý di sản thế giới ở Huế. Bàn về bảo tồn cảnh quan văn hóa trong đô thị Di sản ở Huế. Góp ý về công tác bảo tồn giá trị cảnh quan văn hóa tại Quần thể Di tích Cố đô. Yếu tố phong thủy trong quy hoạch lăng tẩm của các vua triều Nguyễn. Về việc xác lập vùng đệm với sự kết nối vùng lân cận nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế…

Từ trao đổi, thảo luận… các chuyên gia đã kiến nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế cần sớm có giải pháp xây dựng đô thị di sản trên cơ sở bảo tồn toàn vẹn quần thể di tích cố đô Huế và sớm hoàn thiện hồ sơ tái đề cử sông Hương vào danh mục công nhận di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, kết quả hội thảo sẽ bổ sung cho việc nghiên cứu đề án Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Cảnh quan văn hóa thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hương Giang

Nguồn Người Hà Nội: https://nguoihanoi.vn/tai-de-cu-song-huong-la-di-san-canh-quan-van-hoa-the-gioi-74835.html