Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm thuế doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống 15 – 17% có thể khiến ngân sách giảm khoảng 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng nguồn thu không hề giảm, thậm chí có thể còn tăng và việc đóng thuế hiệu quả hơn.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ áp dụng thuế suất 17% còn doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%.
“Nghiên cứu chúng tôi thực hiện năm 2013 chung cho tất cả các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho thấy mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối ưu là 17%”, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởngViện nghiên cứu Phát triển Mekong nhận định với Trí Thức Trẻ. Bởi với mức thuế này, doanh nghiệp sẽ không có xu hướng lách, tránh thuế.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 20%, doanh nghiệp lớn là 22%, thuế lợi tức là 5%, tổng cộng mất từ 25 đến 27% cho thuế. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tăng đầu vào để nhằm lách, tránh thuế và có thể được hưởng lợi khoảng 5 điểm phần trăm”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, khi mức thuế về 17% thì việc lách thuế hay đóng thuế đầy đủ sẽ không khác biệt nhiều. Điều này khiến cho doanh nghiệp không phải chọn cách làm “sai luật”. “Họ sẽ chọn cách đóng thuế một cách minh bạch”, vị chuyên gia này nhận định.
Mặt khác, ông Tùng đưa ra quan điểm trái ngược với Bộ Tài chính về việc đánh giá tác động của việc giảm thuế.
Theo tính toán của cơ quan này, việc giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm giảm 6.500 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước (trong tổng số 9.200 tỷ nếu thực hiện các biện pháp trong dự thảo).
“Tính toán của Viện nghiên cứu Mekong là ngân sách không hề giảm vì doanh nghiệp có xu hướng đóng thuế nhiều hơn”, ông Tùng cho biết.
Con số được Bộ Tài chính đưa ra, theo vị chuyên gia này là chưa tính đến độ co giãn đóng thuế của doanh nghiệp.
“Họ tính đơn giản là trước đây thu 20%, nay giảm xuống 15 đến 17% thì sẽ mất đi 3 đến 5% thuế trên tổng thuế thu nhập doanh nghiệp. Tính toán cơ học như thế thì không đúng”, ông nói, “Nó cũng giống như giảm giá hàng hoá, người ta sẽ mua nhiều hơn, giảm thuế sẽ khiến cho doanh nghiệp đóng nhiều hơn là lách”.
Đồng tình việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích luỹ, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng TS. Phùng Đức Tùng cho rằng nên làm đồng bộ cho tất cả các doanh nghiệp với mức thuế 17%.
“Áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì không ổn lắm vì nó có thể tạo ra tiêu cực là ở các doanh nghiệp lớn hơn mức quy định có thể tách nhỏ ra để được hưởng thuế”, ông nói.
Mặt khác, ông Tùng cũng cho rằng việc ưu đãi, không chỉ dừng ở giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà quan trọng hơn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần được hỗ trợ các vấn đề về vốn, liên kết hiệp hội để sản xuất quy mô lớn, liên kết thị trường, hỗ trợ logistics để xuất khẩu hoặc bán hàng online.