Tác động ngoài tưởng tượng của thượng đỉnh liên Triều: TT Trump “đắc lợi” trước kỳ bầu cử cam go

Lãnh đạo hai nước Triều Tiên-Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận quân sự mới trong Hội nghị thượng đỉnh lần này. Ảnh: AP.

Trong lần thượng đỉnh thứ 3 này, hai ông Kim Jong-un và Moon Jae-in đã đạt được một số thỏa thuận cụ thể hơn về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Thành công của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Sự đón tiếp rất trọng thị và nồng nhiệt mà phía Triều Tiên dành cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân, những hình ảnh về mức độ thân thiện giữa ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những nội dung của bản “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng Tháng 9”, thỏa thuận quân sự giữa Bộ quốc phòng hai nước, những phát biểu của hai vị kia với giới truyền thông sau khi ký kết tuyên bố chung và việc ông Kim Jong-un xác nhận sẽ tới thăm Hàn Quốc cho thấy chuyến thăm chính thức Triều Tiên của ông Moon Jae-in rất thành công.

Xét từ góc độ nhìn nhận của Triều Tiên và Hàn Quốc thì ít nhất mọi chuyện là như vậy. Những biểu hiện thái độ của phía Mỹ, mà cụ thể là của người phát ngôn Nhà Trắng, Bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo và đặc biệt của cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump đều ẩn chứa trong đó sự hài lòng của phía Mỹ.

Đương nhiên là Mỹ còn muốn đạt được nhiều hơn và cụ thể hơn trong chuyện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng phía Mỹ cũng thừa hiểu rằng phải “có đi, có lại thì mới toại lòng nhau”.

Cho tới nay, ngoài sự kiện ông Trump gặp ông Kim Jong-un để thế giới có được cuộc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên ra, thì Mỹ chưa có nhượng bộ cơ bản nào khác cho Triều Tiên.

Vì thế, kết quả cuộc thượng đỉnh liên Triều vừa rồi bao hàm cả bước tiến mới, chủ động và rất đáng kể từ phía Triều Tiên về phía Mỹ.

Washington chắc chắn sẽ hài lòng bởi bước đi này của Triều Tiên phù hợp với định hướng đã được ông Trump và ông Kim Jong-un nhất trí đề ra trong cuộc gặp thượng định ở Singapore hồi tháng 6 năm nay.

Tiến triển cụ thể với tác động lớn

Có thể nói ông Moon Jae-in đã thành công với sứ mệnh ngoại giao đặt ra cho chuyến thăm Triều Tiên này.

Tuy không phải là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên tới thăm chính thức Triều Tiên, mà là người thứ 3 sau hai người tiền nhiệm Kim Dae-jung (năm 2000) và Roh Moo-huyn (năm 2007), nhưng ông Moon Jae-in đã có tới 3 lần gặp lãnh đạo Triều Tiên trong khoảng thời gian chưa đầy nửa năm.

Vẫn là những chuyện vốn đã trở thành cố hữu trong mối quan hệ giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên: Phi hạt nhân hóa bán đảo, giảm căng thẳng, chấm dứt xung đột vũ trang và đe dọa an ninh lẫn nhau, giải quyết các vấn đề nhân đạo, hợp tác cùng phát triển, hòa bình và hòa giải cũng như có thể cả tái thống nhất bán đảo, nhưng ông Moon Jae-in rõ ràng là đã đi được xa hơn rất nhiều và đạt được hơn rất nhiều thành quả tích cực so với tất cả những người tiền nhiệm.

Tác động ngoài tưởng tượng của thượng đỉnh liên Triều: TT Trump đắc lợi trước kỳ bầu cá»­ cam go - Ảnh 2.Chuyến thăm chính thức Triều Tiên của ông Moon Jae-in đã đạt được nhiều tiến triển cụ thể hơn so với những lần hội nghị thượng đỉnh trước đó. Ảnh: Pyeongyang Pool Press/AP.

Kết quả sự kiện lịch sử mới này đối với Triều Tiên và Hàn Quốc có thể gói gọn ở hai nét lớn đối với hai nước này và đối với Mỹ.

Cả ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đều dùng những mỹ từ to tát để đề cao và ngợi ca kết quả cuộc thượng đỉnh mới.

Họ đề cập đến kỷ nguyên quan hệ song phương mới, đến viễn cảnh Bán đảo Triều Tiên không còn chiến tranh và vũ khí hạt nhân. Họ thỏa thuận một số bước đi cụ thể như thông thương tuyến đường sắt nối hai miền, thúc đẩy tổ chức thăm viếng thân nhân các gia đình bị phân ly bởi chiến tranh, hợp tác kinh tế và du lịch.

Hơn nữa, điểm đặc biệt quan trọng là thỏa thuận quân sự giữa bộ quốc phòng hai nước, gỡ bỏ mìn và triệt thoái vũ khí khỏi khu vực phi quân sự, lập khu vực biển không có xung đột chung…

Những phát biểu và kết quả ấy đáp ứng mong đợi của người dân ở hai nước, và nếu chiều hướng hành động này được cả hai phía tiếp tục, thì lịch sử thực sự đã sang trang mới đối với mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo.

Hơn thế nữa, chúng sẽ làm cho chuyện tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trở nên không còn cần thiết nữa hoặc không còn làm cho phía Triều Tiên phải nghi ngại và lo ngại thật sự như trước nữa.

Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in còn đạt được một số thỏa thuận cụ thể về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Qua nội dung trong Tuyên bố chung và những phát biểu của hai người này, thiên hạ và đặc biệt là phía Mỹ – bởi đó chính là thông điệp của hai người gửi tới Mỹ từ Bình Nhưỡng – không chỉ thấy ông Kim Jong-un tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo, mà còn có những bước đi xa hơn đáng kể so với từ trước đến nay nhằm thực hiện cam kết này.

Ông Moon Jae-in đã đề cập đến sự nhất trí giữa hai bên về “cách thức phi hạt nhân hoá”; cụ thể là phía Triều Tiên dỡ bỏ một trung tâm nghiên cứu động cơ tên lửa và bãi thử tên lửa ở Sohae với sự chứng kiến của quốc tế, đồng thời ngỏ ý đóng cửa cả trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm hạt nhân lớn nhất nếu phía Mỹ có đáp ứng thích đáng.

Như thế đâu có khác gì ông Trump “cầu được, ước thấy” trong bối cảnh tình hình và trong thời điểm hiện nay.

Ông Trump có thể tận dụng kết quả cuộc thượng đỉnh liên Triều này để phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ, và cuộc gặp thứ 2 giữa ông Trump và ông Kim Jong-un chẳng khác gì đang được mở đường. Bởi vậy, kết quả chuyến thăm Triều Tiên lần này của ông Moon Jae-in thật ra lại có tác động rất lớn ngoài tưởng tượng.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.