Sư Toàn xin vắng mặt nên chưa thể bàn giao chùa và làm rõ số tài sản 200 – 300 tỷ

Sư Thích Thanh Toàn và chùa Nga Hoàng.

Theo Đại đức Vượng, sau khi xin hoàn tục, xin giữ lại tài sản thuộc sở hữu cá nhân, sư Thích Thanh Toàn có xin phép được vắng mặt khoảng 1 tuần để giải quyết việc riêng.

Ttrưa 10/10, Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự PGVN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện Ban Trị sự đã nhận được văn bản chỉ đạo của Trung ương Giáo hội về việc xác minh rõ việc có hay không số tài sản trị giá 200 – 300 tỷ mà nhà sư Thích Thanh Toàn (thế danh Lê Hữu Long, đã được cho hoàn tục) phát ngôn và nguồn gốc tài sản này.

Theo Đại đức Vượng, để xác minh rõ thông tin về số tài sản mà sư Toàn đưa ra cần phải có buổi làm việc giữa Ban Trị sự với nhà sư này và chính quyền địa phương để phân định, bàn giao rõ ràng tài sản của chùa Nga Hoàng.

Tuy nhiên, hiện tại, nhà sư Thích Thanh Toàn vẫn đang không có mặt ở chùa và đã có xin phép Ban Trị sự.

“Trong cuộc họp của Ban Trị sự ngày 7/10, thầy Thích Thanh Toàn sau khi xin hoàn tục, xin giữ lại tài sản thuộc sở hữu cá nhân có xin phép được vắng mặt khoảng 1 tuần vì lý do phải giải quyết việc riêng.

Sư Toàn có hẹn đến ngày 13/10 sẽ có mặt tại buổi làm việc tiếp theo và sau đó, dường như đi vào Nam.

Hiện Ban Tăng sự của Ban Trị sự tỉnh cũng đang chờ vị này về để tiến hành các thủ tục xả giới, hoàn tục và giải quyết vấn đề bàn giao chùa Nga Hoàng, tài sản, việc mua bán đất với người dân địa phương còn nhập nhằng…”, Đại đức Vượng nói.

Sư Toàn xin vắng mặt nên chưa thể bàn giao chùa và làm rõ số tài sản 200 - 300 tỷ - Ảnh 1.

Một góc chùa Nga Hoàng.

Phó Ban Trị sự Phật giáo VN tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, trong buổi làm việc tới đây, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có giấy mời đương sự là nhà sư Thích Thanh Toàn và UBND xã Hợp Châu, UBND huyện Tam Đảo, bởi họ mới nắm rõ vấn đề mua bán đất giữa các hộ dân với nhà sư này.

Đại đức Thích Tâm Vượng cũng khẳng định, bản thân ông không bình luận gì về việc nhà sư Thích Thanh Toàn nói tài sản có 200 – 300 tỷ đồng và cũng không thể biết thực sư số tài sản này.

“Bây giờ tôi cũng như mọi người chỉ có nghe sư Toàn nói vậy còn có hay không có số tài sản thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra.

Nhưng nếu nhìn chùa đó sẽ thấy, đa phần các ngôi nhà ở chùa đều nhỏ, một số lợp mái tôn, đất mua chưa rõ ràng cũng chỉ là đất nông nghiệp…”, Đại đức Vượng chia sẻ.

Ông nói thêm, với một người đi tu hành không thể có được số tiền lớn như vậy và rất nhiều thương nhân, doanh nghiệp lớn mạnh về kinh tế cũng chưa ai dám lên tiếng, nói rằng họ có số tiền 200 – 300 tỷ.

Đồng thời, với một người đã bước chân vào cửa Phật, khi xin xả giới hoàn tục, thông thường sẽ chẳng có tài sản cá nhân, mà toàn bộ tài sản đó thuộc về ngôi chùa, thuộc về Giáo hội Phật giáo.

Cũng trao đổi với PV, ông Đào Xuân Định, Chủ tịch UBND xã Hợp Châu (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, do số đất nông nghiệp gần 6.000 m2 sư Toàn mua của các hộ dân không thông qua chính quyền nên việc sang nhượng này là trái phép và thực tế, theo sổ quản lý của xã thì số đất này vẫn thuộc tên các hộ dân liên quan.

Do đó, thời gian tới đây, khi Ban Trị sự PGVN tỉnh Vĩnh Phúc có đề nghị chính thức, UBND xã sẽ báo cáo UBND huyện xin ý kiến và giải quyết vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.