Theo GS Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai việc truyền bia cho bệnh nhân ngộ độc rượu methanol có thể tạm chấp nhận được nhưng không khuyến khích.
Cũng đắn đo, cân nhắc rất nhiều
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm trưởng khoa Hồi Sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân Nhật, bệnh nhân này có dấu hiệu của ngộ độc methanol nên các bác sĩ đã ngay lập tức nghĩ ra sử dụng bia để truyền vào hệ tiêu hóa cho bệnh nhân giúp đào thải methanol.
Việc sử dụng bia để truyền cho bệnh nhân Nhật, bác sĩ Lâm tâm sự thực ra bác sĩ cũng đắn đo khi đưa một lượng bia như thế (5 lít) vào bệnh nhân. Bác sĩ cũng phải đau đầu làm sao để cân bằng cho bệnh nhân, thải độc tốt cho bệnh nhân.
Bác sĩ Lâm cho biết đưa lượng nước nhiều như thế thì bệnh nhân cũng có những hạn chế và bác sĩ đã cố gắng cứu bệnh nhân vì biết nồng độ cồn ở trong bia thấp nhưng không có rượu truyền thì đành phải sử dụng bia.
Thạc sĩ Lâm chia sẻ đây là lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện này sử dụng bia để giải ngộ độc methanol cho bệnh nhân và bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Lê Văn Lâm
Khi phóng viên hỏi thạc sĩ Lâm nếu gặp thêm một ca ngộ độc rượu methanol, bác sĩ Lâm có sử dụng bia để cấp cứu người bệnh không. Bác sĩ Lâm cho biết sau khi bệnh nhân Nhật được cứu, thông tin báo chí đưa cũng khiến bác sĩ Lâm đau đầu, mệt mỏi vì nhiều câu hỏi vì sao lấy bia để giải rượu.
Cần so sánh đây là ngộ độc rượu methanol một loại cồn công nghiệp không phải rượu thực phẩm được cho phép sử dụng như hiện nay. Trong y tế, dù có thể dùng rượu truyền cho bệnh nhân bị ngộ độc methanol nhưng bác sĩ Lâm cho biết từ nhiều năm nay câu hỏi việc lấy rượu truyền cho bệnh nhân ngộ độc và cung cấp rượu này như thế nào vẫn chưa có lời đáp.
Chuyên gia nói gì?
Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai việc truyền bia cho bệnh nhân ngộ độc rượu methanol có thể tạm chấp nhận được nhưng không khuyến khích.
Theo GS Bình trong cấp cứu ngộ độc methanol, phương pháp được sử dụng chính đó là lọc máu thải methanol.
Ngoài ra có có truyền rượu ethanol để thải trừ methanol. Tuy nhiên phương pháp này ít sử dụng. GS Bình cho rằng về nguyên lý dùng cái nọ tranh chấp cái kia và được phép sử dụng rượu “xịn” cho bệnh nhân uống.
Còn việc sử dụng bia, trong bia có nồng độ cồn 4 – 4,5 % được coi là rượu nhạt etanol thấp nếu truyền vào cho bệnh nhân sẽ gây ra tranh chấp methanol đang gây độc cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Trị lấy 5 lít bia truyền cho bệnh nhân ngộ độc methanol, GS Bình cho biết “tôi cũng không hiểu vì sao lại lấy bia để giải độc rượu methanol vì lượng bia 5 lít quá lớn có thể gây sặc phổi cho bệnh nhân bị ngộ độc hôn mê”.
Giáo sư Bình cho biết cách tốt nhất chữa ngộ độc rượu vẫn là lọc máu thải methanol.
Methanol là cồn công nghiệp, được cho vào các loại đồ uống có cồn bởi các doanh nghiệp làm ăn phi pháp và thiếu trách nhiệm để có hàng thay thế rẻ hơn so với sản xuất ethanol.
Giống như những chất hóa học công nghiệp khác, methanol có độc tính và không dành cho việc tiêu thụ của con người. Nó có thể gây ra những ảnh hưởng có hại về sức khỏe nếu dùng phải, thậm chí gây tử vong.
Sau khi dùng/uống phải, methanol được chuyển hóa thành fóc-man-đê-hít (formaldehyde) và sau đó thành a-xít pho-mic, nó sẽ khiến máu bị nhiễm a-xit (toan chuyển hóa). Sau khi các mức độ a-xít trong máu tăng cao, cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để lọc máu. Các triệu chứng thường chỉ xảy ra trong khoảng từ 12 đến 24 tiếng sau khi dùng.
Các triệu chứng ngộ độc methanol nôn ọe nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai những bệnh nhân được chuẩn đoán ngộ độc methanol cần được chăm sóc y tế ngay lập tức bằng việc cho điều trị bằng rượu ethanol hoặc Fomepizole kết hợp với lọc máu nhằm ức chế sự chuyển hóa methanol.
Nếu không có Fomepizole, điều trị bằng rượu ethanol (như rượu có nồng độ cồn tối thiểu 43%). Người trưởng thành cần liều đầu là 1,8mL (0.06oz) rượu trên 1kg (2.2lbs). Đối với người trưởng thành có tầm vóc trung bình (khoảng 70kg), cần cho liều đầu là 125mL (4.2oz), tiếp theo đó là liều duy trì 30mL/giờ (1.00 oz/giờ).
Cho uống muối natri (sodium bicarbonate) có thể giúp trung hòa a-xít pho-mic (formic acid) và duy trì cân bằng pH phù hợp.