Theo TS Phạm Xuân Dũng, vắc xin trong ung thư được nghiên cứu rất nhiều nhưng ứng dụng vắc xin trên lâm sàng còn gặp rất nhiều khó khăn do việc đánh giá hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.
Vắc xin được quảng cáo là phòng được nhiều bệnh ung thư
Trên mạng xã hội, một tài khoản đăng tải danh mục các loại vắc xin tiêm phòng ung thư với lời mời chào có cánh có vắc xin tiêm phòng được tất cả các bệnh ung thư trừ ung thư tim và ung thư máu. Với mức chi phí mỗi mũi tiêm từ 18 đến gần 40 triệu đồng ngừa ung thư tổng hợp còn phòng ngừa ung thư tái phát có giá 180 triệu đồng.
Thông tin trên được nhiều người đặc biệt những người đã từng bị ung thư và trong gia đình có người bị ung thư. Mọi người đều muốn được tiêm phòng ngừa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vắc xin được quảng cáo có tên vắc xin Hasumi là vắc xin điều trị ung thư do Cố Tiến sĩ Hasumi Kichiro bào chế thành công. Tiến sĩ Hasumi trong quá trình nghiên cứu của mình đã dự đoán được sự tồn tại của kháng nguyên đặc hiệu trên bề mặt màng tế bào ung thư, đây là điều mà tế bào bình thường không có.
Hình ảnh quảng cáo vắc xin trên facebook
Từ đó, ông bắt đầu nghiên cứu phát triển phương thuốc bằng cách tách chiết kháng nguyên đặc hiệu từ màng tế bào ung thư, rồi cho kết hợp với chất bổ trợ miễn dịch (chất tăng cường hoạt động hệ miễn dịch) thành hỗn hợp tiêm vào cơ thể để điều trị ung thư.
Vắc xin này được nhiều văn phòng “chữa bệnh du lịch” tư vấn cho khách hàng có thể tiêm ở Nhật Bản hoặc ở ngay Việt Nam chỉ cần liên hệ với văn phòng môi giới họ sẽ tư vấn cho việc tiêm phòng như thế nào.
Để làm rõ thực hư về loại vắc xin đang được quảng cáo là phòng được tất cả các bệnh ung thư và ngừa tái phát, chúng tôi có buổi trao đổi TS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trưởng bộ môn Ung bướu trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.
TS Dũng cho biết vắc xin trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu gần đây. Nhưng những thông tin được truyền thông gây ra không ít nhầm lẫn: vắc xin này là để phòng ngừa hay điều trị, đáp ứng hay trị khỏi, còn đang nghiên cứu hay đã được cấp phép sử dụng trên lâm sàng của các cơ quan có thẩm quyền…, những thông tin này đều chưa được làm rõ.
Hiện nay, mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ về hiểu biết sinh học ung thư, nhưng qua những nghiên cứu người ta thấy ứng dụng vắc xin trên lâm sàng còn gặp rất nhiều khó khăn do việc đánh giá hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.
TS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc Bệnh viện ung bướu TP.HCM
Cũng theo TS Dũng các nghiên cứu vắc xin hiện nay chỉ thực hiện ở bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa hoặc đã thất bại với các điều trị tiêu chuẩn. Vắc xin điều trị, phòng ngừa tái phát có thể hiệu quả đối với ung thư này nhưng không hiệu quả với các loại ung thư khác. Không có vắc xin dùng cho tất cả các loại ung thư.
Có những loại vắc xin nào?
TS Dũng cho biết vắc xin là chế phẩm sinh học giúp tạo ra miễn dịch với từng bệnh lý chuyên biệt. Vắc xin thường chứa “kháng nguyên” là phần giúp hệ miễn dịch có thể nhận biết được các tác nhân gây bệnh, từ đó sản xuất ra các chất chống lại tác nhân gây bệnh này gọi là kháng thể, hay huy động các tế bào của hệ miễn dịch tấn công các tác nhân gây bệnh.
Một cơ chế khác của vắc xin là “huấn luyện” các tế bào của hệ miễn dịch từ bên trong hay từ bên ngoài cơ thể rồi đưa lại bên trong cơ thể giúp các tế bào miễn dịch của cơ thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Vắc xin được chia làm vắc xin dự phòng và vắc xin điều trị. Vắc xin dự phòng dùng để phòng ngừa khi chưa bị bệnh, rất hiệu quả trong các bệnh nhiễm: virút, vi trùng. Vắc xin điều trị dùng trong điều trị giải độc tố hay hiện nay được nghiên cứu điều trị ung thư.
Đối với vắc xin phòng ngừa, hiện nay chỉ có 2 loại vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung (ngừa virút HPV) và ngừa ung thư gan (ngừa virút viêm gan B) đã được cấp phép.
Còn vắc xin điều trị theo TS Dũng cho dù thấy hứa hẹnvàrất nhiều vắc xin đã được nghiên cứu nhưng đến hiện nay chỉ có duy nhất một sản phẩm được cấp phép trên toàn thế giới dùng cho ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng cắt tinh hoàn / Castration –Resistant Prostate Cancer (Chi phí cho điều trị là 100.000USD năm 2014).
Chínhvì thế, TS Dũng khuyến cáo việc sử dụng vắc xin phòng ngừa ung thư tái phát vẫn chưa được chứng minh và còn đang tiếp tục nghiên cứu trong khi đó một số loại thuốc hóa trị, nhắm trúng đích…đã được chứng minh hiệu quả cho một số loại ung thư và đã được đưa vào các hướng dẫn điều trị quốc tế (NCCN, ESMO…).