“Tôi luôn nói với mọi người xung quanh rằng, đừng bao giờ ảo tưởng về sức mạnh của tôi. Tôi biết mình ở đâu”, Sơn Tùng M-TP chia sẻ.
Mới đây, trong một buổi phỏng vấn với Kinglive, ca sĩ Sơn Tùng đã chia sẻ nhiều về quan điểm âm nhạc của mình.
Tôi biết tôi đang ở đâu, tôi cần cái gì
Nhiều người hỏi tôi là, bây giờ đi diễn nhiều thế thì làm sao còn hồi hộp, ra bài hát nhiều thế thì làm gì còn biết lo lắng. Nhưng thực ra không phải như thế, từ lúc tôi biết mình nổi tiếng, mọi thứ với tôi đã không còn thoải mái như xưa.
Cứ mỗi bước đi của tôi đều không chỉ cho riêng bản thân tôi, mà cần có sự cẩn thẩn, tỉ mỉ, chau chuốt hơn.
Hơn thế, tôi luôn nói với mọi người xung quanh rằng, đừng bao giờ ảo tưởng về sức mạnh của tôi. Tôi biết mình ở đâu.
Đừng bao giờ tôn sùng tôi lên mức nào đó, vì tôi biết tôi đang ở đâu, tôi cần cái gì.
Chạy ngay đi thực sự là một khám phá về khả năng của bản thân mình. Khi ngồi cạnh Onionn, tôi vẫn bảo, bài hát này thì sướng anh em mình rồi đấy, nhưng sẽ không chạm tới số đông khán giả đâu.
Từ khi đặt bút, tôi đã xác định đây là ca khúc khó nghe. Nhưng cái quan trọng hơn là tôi dám làm. Tới khi ngồi cạnh cùng những nghệ sĩ trẻ khác, tôi có thể nói rằng, tôi cũng từng rất băn khoăn, trăn trở để nghĩ tới việc thay đổi âm nhạc của mình.
Nghệ sĩ Việt Nam chỉ dám làm những thứ nhẹ nhàng
Không phải nghệ sĩ trẻ thì không có cái mới hoặc không đủ sáng tạo để làm những điều mới hơn, mà là khán giả khiến họ cảm thấy họ không thể làm chuyện đó.
Khán giả Việt Nam rất thích nghe nhạc nước ngoài, nghe nhạc Hàn Quốc, USUK. Nhìn lại, nghệ sĩ Việt Nam mình không dám làm những thứ âm nhạc đó. Họ chỉ dám làm những bài hát nhẹ nhàng, có thể nghe ở bất kỳ đâu đó. Đó không phải là Hip Hop hay những ca khúc có thể lột tả những gì đang diễn ra quanh ta.
Họ không dám làm không phải vì họ không nghĩ đến mà vì sự thờ ơ của khán giả. Cái khán giả đang muốn không phải những điều đó.
Nhưng tại sao khán giả vẫn thích điều đó ở nước ngoài? Đó là câu hỏi không phải ai cũng trả lời được.
Khi bạn hát một ca khúc, khán giả ở dưới hát theo. Đó là âm nhạc. Bài hát được sống, đó là chất. Bản thân tôi không nghĩ là phải ăn mặc gai góc, phải sang nọ kia mới là chất.
Nghệ sĩ Việt Nam còn rất nhiều người giỏi, nhưng nếu họ vượt qua được ranh giới của nỗi sợ thì sẽ thành công hơn.
Nỗi sợ đó rất đúng. Bản thân tôi cũng từng rất sợ. Nhưng phải làm những gì mình thích, miễn sao cảm thấy được sống trong những thứ đó là điều tuyệt vời nhất rồi.
Bố mẹ tôi không hỏi tôi có bao nhiêu tiền
Nếu tôi không còn vô tư, hồn nhiên, tôi sẽ không làm ra những thứ khác biệt. Chính sự vui tươi, hồn nhiên, ngây thơ luôn còn trong con người tôi.
Hồn nhiên ở đây không có nghĩa là không tính toán. Tôi phải cẩn thận, tỉ mỉ chứ, làm sao hồn nhiên không được. Nếu chỉ vô tư, hồn nhiên thì về sáng tác cho bố mẹ nghe. Phải vô tư cộng với cẩn thận mới thăng hoa được.
Bản thân bố mẹ tôi, gia đình hay họ hàng không hỏi tôi có bao nhiêu tiền. Nếu ai hỏi tôi câu đó, tôi sẽ nói, cái duy nhất tôi có là âm nhạc. Âm nhạc là một trong những thứ khiến khán giả biết đến tôi thì tôi sẽ sống chết với nó. Mỗi khán giả là một món quà ông trời ban cho tôi.
Nếu khán giả yêu thương tôi một thì tôi yêu thương khán giả gấp mười lần. Khán giả là người đi theo mình cả một chặng đường, ủng hộ mình bằng nhiều cách. Họ ủng hộ tôi bằng cách nghe, ra ngoài mua một vé vào show… Cách nào cũng khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Một ngày nào đó đứng trên sân khấu mà không còn ai đứng dưới thì sẽ kinh khủng lắm.
Một lần đứng trên sân khấu lúc sinh nhật, tôi đã khóc. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ khóc ở những khoảnh khắc như thế. Tôi khóc vì ai cũng phải dừng lại thời gian mãnh liệt nhất, như con ngựa nhất của mình để làm công việc khác.
Ngày đó rồi cũng sẽ đến với tôi. Nghĩ đến ngày đó, tôi buồn. Tôi ước thời gian sẽ kéo dài hơn, cho tôi thêm tuổi trẻ ở được ở gần khán giả hơn.
Phải hồn nhiên, tích cực, lạc quan, vui tươi hơn, công việc mới thoải mái.