10 tuổi, bé Linh Đan trong sáng đáng yêu chỉ nghĩ da đang trắng và con vui sướng vì điều đó. Con đâu biết rằng những vết loang trắng chính là bệnh.
LTS: Bạch biến không phải là bệnh quá xa lạ trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam bệnh bạch biến vẫn chưa được nhiều người biết tới và có sự kỳ thị không đáng với người không may mắc phải.
Bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm, không ảnh hưởng tới sức khỏe chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Người bạch biến vẫn có quyền sống và yêu thương như tất cả người khác.
Vì thế, để tăng nhận thức trong cộng đồng về bệnh này, ngày 24-25/6 tới đây, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị bạch biến Quốc tế, diễn ra tại Hà Nội. Nhân dịp này, Báo điện tử Trí Thức Trẻ thực hiện tuyến bài: Bạch biến – nỗi đau từ sự kỳ thị.
Ước mơ của con có làn da trắng…
Ngồi trước phòng chờ đợi con khám trong tâm trạng đầy lo lắng anh Nguyễn Phương Nam (36 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) không biết con gái mắc bệnh gì mà da tự nhiên trắng bệch hết nửa bên mặt phải.
“Con bé suốt ngày ao ước da trắng, giờ thì da nó đã trắng thật. Giá như nó trắng cả khuôn mặt thì tốt, đằng này trắng nửa bên mặt lại loang lổ. Sợ sau con lớn sẽ bị ảnh hưởng tới tâm lý nên tôi cho con đi khám”, anh Nam nói.
Khi được bác sĩ chẩn đoán bé Linh Đan mắc phải căn bệnh bạch biến anh Nam ngơ ngác vì lần đầu tiên nghe có bệnh như vậy.
Bác sĩ Tâm đang khám cho bệnh nhi Linh Đan.
Theo anh Nam, ban đầu bé Linh Đan chỉ có một nốt trắng như hạt đậu, sau đó cứ lan rộng không dừng. Lúc đầu, gia đình anh nghĩ cháu bị lang ben có mua thuốc về bôi nhưng không đỡ. Anh cũng cho con tới bệnh viện gần nhà khám, uống thuốc theo đơn tình trạng của con cũng không khả quan hơn.
“Con bé không biết da của mình trắng da là do bệnh, cháu cứ nghĩ da mình đang trắng nên vẫn rất vui vẻ. Nhiều khi cháu đứng soi gương, rồi chạy lại khoe với bố mẹ: “da con trắng sẽ xinh”. Biết ra con có sự bất thường nên tôi đã phải đưa con đi khám. Xuống đây tôi mới biết con mắc bệnh bạch biến.
Tôi không biết bệnh có điều trị được không? Nhìn mặt con tôi trắng loang lổ khác biệt vậy, sau này cháu có lấy được chồng hay không?”, anh Nam lo lắng nói.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Giảng viên bộ môn da liễu, Đại học Y Hà Nội, Phó khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bác sĩ thường xuyên tiếp nhận khám cho những bệnh nhân bạch biến và đã gặp rất nhiều câu chuyện thương tâm.
Có nhiều bệnh nhân vì mắc bệnh mà bị chồng bỏ, có người sống trong cảnh bị nhiều người xa lánh vì sợ lây bệnh.
Bác sĩ Tâm đã gặp rất nhiều câu chuyện xúc động liên quan tới quá trình đi chữa bệnh của các bệnh nhi. Những đứa trẻ không biết bị mắc bệnh hồn nhiên không hiểu vì sao nghỉ hè các bạn được đi chơi còn mình lại phải theo bố, mẹ đi chữa bệnh khắp nơi, có những bệnh nhi đã sang cả nước ngoài.
Có trường hợp bệnh nhi 12 tháng tuổi, ban đầu trẻ chỉ có 1 sợi tóc bạc trên đầu. Nhưng khoảng 3 tháng sau gia đình bệnh nhi thấy chỗ tóc đó là 1 đốm trắng bằng hạt đậu và có khoảng 7 cái tóc trắng.
Quá lo lắng mẹ bệnh nhi đã tới Bệnh viện Da liễu trung ương khám bệnh. Khi chị dẫn con tới khám biết con bị bạch biến đã ôm con khóc ngay trong phòng khám. Bác sĩ đã phải động viên tâm lý, giải thích rất rõ để mẹ bệnh nhi yên tâm kiểm soát bệnh cho con.
Theo bác sĩ Tâm mẹ bệnh nhi 12 tháng tuổi trên sợ con tự ti khi lớn lên chị đã tìm mọi cách để điều trị khỏi bệnh cho con như: đắp thuốc lá, đặt thuốc từ nước ngoài. Mẹ bệnh nhi còn có ý định đưa con sang nước ngoài ghép da để con không mặc cảm sau này.
Sau 2 năm, tìm mọi cách điều trị bệnh cho con không thành công, chị mới quay trở lại Bệnh viện Da liễu Trung ương “cầu cứu” bác sĩ khi bạch biến đã lan rộng.
Làm thế nào để phân biệt bạch biến
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, bạch biến không phải là bệnh lây truyền. Bệnh nhân bạch biến nếu không bị mặc cảm về ngoại hình vẫn có thể sống khoẻ mạnh suốt đời.
Bệnh bạch biến là bệnh ngoài da có thể nhầm với 20 loại bệnh ngoài da khác. Cho nên việc phân biệt bạch biến có ý nghĩ rất lớn trong quá trình điều trị.
Nhiều bệnh nhân có đốm trắng trên da tưởng mình mắc bạch biến nhưng lại là bệnh khác như: phong, bệnh lý ung thư tế bào hắc tố, ung tế bào máu biểu hiện ở da, bệnh lý tự miễn (xơ cứng bì cư trú, xơ cứng bì hệ thống).
Bác sĩ Tâm cho biết, bạch biến rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh ngoài ra khác.
Một số bệnh lý dị truyền bẩm sinh: bớt, u xơ củ tổn thương giảm sắc tố hoặc bệnh giảm sắc tố sau viêm, rất nhiều bệnh khác… có biểu hiện gần giống với bạch biến.
Bác sĩ Tâm cho biết, cũng có những trường hợp bệnh nhân xuất hiện đốm trắng tưởng mắc bạch biến, nhưng khi tới viện khám thì là mắc ung thư với biểu hiện ở ngoài da.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh bạch biến thì nên đi khám để được can thiệp và kiểm soát bệnh tốt hơn.
Bài tiếp theo: Bệnh “lạ” ngoài da hơn 1 triệu người mắc, Michael Jackson từng đối mặt với căn bệnh này