Hiện nay, thị trường bánh trung thu chính thức bước vào mùa cao điểm (từ mùng 1 đến 15/8 âm lịch). Để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã cho ra nhiều sản phẩm từ cao cấp đến bình dân, đa dạng về chủng loại, hương vị đặc sắc, mẫu mã bắt mắt… giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn để sử dụng hoặc làm quà tặng.
Đa dạng về mẫu mã, hương vị
Trong khâu sản xuất, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến chất lượng bánh, nhất là trong lựa chọn sử dụng nguồn nguyên liệu, nhằm tạo ra hương vị độc đáo. Chị Nguyễn Kiều Tiên – Cơ sở kinh doanh bánh Kinh Đô (thành phố Sóc Trăng) cho biết, mùa trung thu năm này, thương hiệu Kinh Đô cho ra mắt 3 sản phẩm mới. Giá bán đa dạng, từ 640.000 đồng (hộp 2 bánh) đến 1.500.000 đồng (hộp 4 bánh) và 5 triệu đồng (hộp 6 bánh). Bên cạnh đó, Kinh Đô vẫn giữ nguyên các dòng bánh hương vị quen thuộc được làm từ thịt heo quay, thịt gà quay, các loại hạt, trà xanh, cam, trứng chảy… có giá dao động từ dưới 300.000 đồng/hộp đến khoảng 1.300.000 đồng/hộp, tùy số lượng cái. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể chọn mua bánh trung thu lẻ theo từng cái với mức giá vài chục đến trên 100.000 đồng/cái. Cũng theo chị Tiên, mùa trung thu năm nay, Kinh Đô tiếp tục đưa ra sản phẩm dùng đường ăn kiêng, mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng.
Người dân chọn mua bánh tại quầy kinh doanh tại Công viên 30/4 thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: MỸ LINH |
Đối với bánh trung thu sản xuất trong tỉnh, giá cả có phần rẻ hơn nhưng chất lượng, hương vị, bao bì, mẫu mã cũng rất phong phú, đa dạng. Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những sản phẩm bánh truyền thống, với phần nhân quen thuộc, như: thập cẩm, trứng muối, đậu xanh, sầu riêng… còn có nhiều dòng sản phẩm kết hợp nhiều hương vị, như: vi cá – trứng, gà quay – trứng, jambon – trứng, chà bông – trứng muối; kim sa dứa, rong biển, kim sa hạt sen… được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có tiếng tại Sóc Trăng như Tân Huê Viên, Tân Hưng, Lập Hưng… tung ra thị trường với mức giá cao nhất là gần 1.900.000 đồng/cái đến dưới 50.000 đồng/cái, tùy theo trọng lượng. Các sản phẩm được đóng gói rất cẩn thận, với màu chủ đạo là đỏ, hồng, vàng với các hoa văn đẹp mắt.
Ngoài dòng bánh trung thu, bánh pía, bánh in cũng được người tiêu dùng lựa chọn trong dịp tết Trung thu. Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh cũng tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm bánh pía, bánh in quen thuộc, như: bánh pía nhân đậu xanh, sầu riêng, trứng; khoai môn; các dòng bánh pía mặn, ngọt; bánh in trăng, bánh in nhân các loại… với mức giá từ vài chục nghìn đến gần 200.000 đồng/hộp (túi).
Chú trọng nguồn gốc xuất xứ
Theo chia sẻ của các cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn trong chọn mua các loại bánh, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhất là thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra liên tiếp. Chị Hiền (huyện Long Phú) cho biết: “Khi chọn mua bánh, tôi ít khi quan tâm về giá mà chú trọng vào nơi sản xuất sản phẩm, các thành phần của bánh, hạn sử dụng. Đó là lý do trung thu năm nào tôi cũng phải tự mình ra tận cửa hàng, đại lý lựa chọn mua bánh”.
Để có thể mua được sản phẩm ưng ý, chất lượng làm quà tặng cho người thân và đối tác trong dịp tết Trung thu, theo chị Ngô Thị Thắm (thành phố Sóc Trăng), ngoài chọn thương hiệu có uy tín thì chất lượng bánh luôn được chị đặc biệt chú trọng. Trước khi mua bánh, chị đều tìm hiểu về nguyên liệu dùng sản xuất bánh, thành phần dinh dưỡng (năng lượng, hàm lượng glucid, hàm lượng lipid và hàm lượng protein), ngày sản xuất, hạn sử dụng.
Người tiêu dùng quét mã QR trên bao bì để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ bánh. Ảnh: MỸ LINH |
Còn chị Nga (thành phố Sóc Trăng), do gia đình có thói quen ăn uống là không sử dụng đường nên chị thường tìm mua các sản phẩm rất ít đường hoặc sử dụng đường chất lượng cao có nguồn gốc thiên nhiên, với độ ngọt giảm 70%. “Trung thu năm nay thay vì sử dụng bánh trung thu của các nhãn hàng nổi tiếng thì tôi chọn mua các sản phẩm nhà làm từ các nguyên liệu xanh, lành mạnh, thuần chay 100% như: bột hạnh nhân, bột rau củ, không sử dụng đường trắng mà thay bằng đường tảo nhật và trái cây tươi, không chất bảo quản. Giá có cao hơn so với các loại bánh ngoài thị trường nhưng an toàn nên tôi rất hài lòng” – chị Nga chia sẻ.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng kiểm tra các cơ sở kinh doanh bánh phục vụ thị trường tết Trung thu. Ảnh: MỸ LINH |
Hiện trên các nền tảng xã hội, website, ứng dụng mua sắm trực tuyến như: Facebook, Zalo, Shopee, Voso, Lazada… hoạt động kinh doanh bánh trung thu và các loại bánh khác cũng sôi nổi không kém thị trường truyền thống. Cùng với các loại bánh của các thương hiệu nổi tiếng được đóng gói, niêm yết giá của nhà sản xuất thì các dòng bánh “nhà làm” được rao bán rầm rộ với mức giá dao động từ vài chục nghìn đến trên 100.000 đồng/cái, được làm từ 100% bột nguyên cám, không đường tinh luyện, sử dụng mật ong rừng… Đây là những sản phẩm không chỉ đẹp về mẫu mã, tốt cho sức khỏe, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính sự đa dạng trong các loại bánh trung thu đã khiến cho thị trường trở nên phong phú, nhộn nhịp, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, khả năng kinh tế của từng gia đình.
Theo khuyến cáo của các ngành chức năng trong tỉnh, cùng với sự nhộn nhịp và phong phú của thị trường, người tiêu dùng trong tỉnh cũng cần phải cảnh giác với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, tránh mua nhầm các loại bánh “dỏm”. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng thì người dân hãy chọn mua những sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, kiểm tra thông tin cần thiết về nơi sản xuất, sản phẩm, chú ý cách bảo quản… không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người thân mà còn giúp gia đình đón tết Trung thu an toàn, trọn vẹn.
MỸ LINH
Nguồn Báo Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thuong-mai-dich-vu/202409/soi-ong-thi-truong-banh-trung-thu-e8f4813/