Ảnh hiện trường vụ cháy.
Sở TN-MT Hà Nội xác định có sự sai lệch kết quả hàm lượng thủy ngân xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông sau vụ cháy của đơn vị với kết quả của Tổng cục Môi trường.
Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội vừa có báo cáo giải trình lên Thành ủy và UBND TP Hà Nội về nguyên nhân kết quả quan trắc thủy ngân sau vụ cháy Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông của đơn vị này vênh với kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT).
“Sau khi rà soát, chỉ có sai khác về hàm lượng thủy ngân trong không khí xung quanh nhà máy. Lý do là thời điểm quan trắc của Sở TN-MT khác với Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc – Tổng cục Môi trường”, Sở TN-MT Hà Nội giải thích sự “lệch pha” kết quả quan trắc thủy ngân giữa hai đơn vị thuộc Hà Nội và Bộ TN-MT.
Công nhân tiến hành lấy mẫu quan trắc.
Sở này cho hay, Bộ TN-MT so sánh kết quả quan trắc thủy ngân với các tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Do vậy, một số thời điểm quan trắc không khí trong khuôn viên Công ty Rạng Đông và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO.
Trong khi đó, Sở TN-MT cùng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp – Môi trường (Bộ Y tế) so sánh hàm lượng thủy ngân với QCVN 06:2009/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh) và Quyết định số 3733:2002/QĐ/BYT của Bộ Y tế về việc ban hành 21 Tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động (từng lần tối đa) cho thấy, kết quả xác định hàm lượng thủy ngân trong không khí xung quanh đạt QCVN 06:2009/BTNMT và Quyết định 3733:2002/QĐ/BYT của Bộ Y tế.
Trong báo cáo, Sở TN-MT đề nghị cho tiếp tục tổ chức quan trắc, đánh giá môi trường tại khu vực bị cháy đến khi khắc phục hoàn toàn sự cố; mời Viện Hàn lâm Khoa học VN thực hiện quan trắc ô nhiễm môi trường để đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, đất khu vực bên trong và ngoài khu vực bị cháy…
Trước đó, sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, ngày 31/8, Sở có báo cáo nhanh gửi Thành ủy, UBND TP và Bộ TN-MT tình hình khắc phục sự cố môi trường.
Báo cáo cho biết, kết quả test nhanh thông số thủy ngân tại 5 vị trí (mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, rìa vườn hoa trung tâm, gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy) cho thấy nồng độ thủy ngân đều bằng 0µg/m3 (microgam/mét khối).
Tuy nhiên, kết quả quan trắc của Bộ TN-MT lại đưa ra con số hoàn toàn khác. Cụ thể, kết quả quan trắc sau vụ cháy cho thấy 1/12 mẫu nước mặt được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế (mẫu nước sông Tô Lịch, đoạn ngõ 320 Khương Đình – cống xả thải của nhà máy Rạng Đông); 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn.
Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.
Theo Bộ TN-MT, cơ quan chức năng cũng xác định hướng phát tán thủy ngân là dòng khí từ sau hàng rào nhà kho ở khoảng cách 200 m, 500 m, 1.000 m.
Trong khoảng 200 m, hàm lượng thủy ngân trong không khí đều nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO là ảnh hưởng sức khỏe con người.
Tại họp báo Chính phủ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, ban đầu công ty Rạng Đông báo cáo nguồn thủy ngân có thể phát tán ra ngoài môi trường khoảng 15,1 kg.
Nhưng theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho 1 bóng đèn compact nên khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2 kg.
“Chúng tôi xác định số thủy ngân đã phát tán ra môi trường nằm trong khoảng 15,1 – 27,2 kg”, ông Nhân nói.
Bộ xác định phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy.
Trong ngày 6/9, Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông có thư xin lỗi về vụ cháy vừa qua.
Trong thư cho rằng, đám cháy đã ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của bà con. Đặc biệt ngọn lửa cháy lớn, khói, tro bụi kèm theo đã làm ô nhiễm môi trường về không khí, đất và nước tại một số khu vực trong quận, ảnh hưởng sức khỏe của lực lượng PCCC và đặc biệt tới nhân dân 2 phường sát công ty.
Công ty cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường.