Mắc quai bị, được điều trị kịp thời nhưng chỉ sau 2 ngày biến chứng quai bị đã khiến chị Phương bị điếc và không thể phục hồi.
Điếc đột ngột
Bác sĩ Hoàng Thị Phương, sinh năm 1988, bác sĩ công tác tại Khoa Tai Mũi Họng BV Trung ương Quân đội 108 tâm sự về bản thân mình sau khi trải qua những tháng ngày kinh khủng nhất. Với chị, bệnh tật không trừ một ai, người ta vẫn nói sinh nghề tử nghiệp, bệnh không may mắc phải lại chính là chuyên ngành của mình.
Cách đây 2 năm, BS Phương không may bị lây quai bị từ bệnh nhân trong quá trình chữa bệnh. Sau khi bị quai bị 2 ngày mất thính lực hoàn toàn hai tai, diễn biến rất nhanh. Dù được điều trị tích cực của lãnh đạo khoa, đồng nghiệp để hồi phục thính lực nhưng vẫn không hồi phục được.
BS Phương
Khi trở thành bệnh nhân mất thính lực, từ bác sĩ thành bệnh nhân chính chuyên khoa của mình có lúc bác sĩ Phương cũng nghĩ mình mất tất cả.
Lúc đó, con chị Phương mới được 10 tháng cứ nghĩ đến con lại buồn, mong muốn nghe được con mình gọi tiếng mẹ đầu tiên nhưng không thể nghe. Cứ nghĩ đến con, bác sĩ Phương lại khóc.
Để giao tiếp với gia đình, bác sĩ Phương phải viết ra giấy và nhắn tin. Có lúc, bác sĩ Phương nghĩ có thể phải học ký hiệu bằng tay để giao tiếp được.
Khi bác sĩ, đồng nghiệp của chính mình động viên và có nói đến phương pháp cấy ốc tai điện từ. Bác sĩ Phương đã tiếp nhận phẫu thuật với hi vọng có thể nghe được.
Tuy nhiên, việc cấy ốc tai còn rất mới mẻ, chưa có kinh nghiệm cũng như trải nghiệm nhiều nhưng bác sĩ vẫn hi vọng có thể nghe được.
Sau đó, chị Phương cấy ốc tai sau khi bị quai bị 6 tháng, đây là thời gian sớm so với bị mất thính lực trong trường hợp khác.
Cuối năm 2016, cấy ốc tai đầu tiên tai phải, đến tháng 9/2017 cấy thêm tai trái và trải qua quá trình phục hồi chức năng, luyện tập để nghe âm thanh, giao tiếp được.
Khi cấy xong, chưa thể nghe ngay mà bác sĩ phải học nghe như một đứa trẻ học từ âm thanh đầu tiên đến khi nghe rõ, định hình được âm thanh. Khi bắt đầu có dấu hiệu âm thanh từ người thân, từ con của mình, bác sĩ Phương thấy cuộc sống của mình mở ra một trang mới.
Lúc ấy, bác sĩ Phương cảm thấy tâm thái nhẹ hơn, chị có thể xác định lại mục tiêu trong cuộc sống của mình không phải là thành công mà điều quan trọng là hạnh phúc trong cuộc sống của mình, mình làm được gì cho bệnh nhân, cho cuộc sống của mình.
Bệnh hiếm 1/10.000
Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc – Phó Chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kể hôm bị bệnh, chính bác sĩ Phương đang ở phòng khám khám cho bệnh nhân. Lúc đó, bác sĩ Phương có nói với đồng nghiệp là thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc là mình bị sốt, có sưng góc hàm.
Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc cùng bác sĩ Phương chia sẻ quá trình cấy ốc tai điện cực phục hồi thính lực
Bác sĩ Ngọc cho biết hôm đó là thứ tư, ông đã nghi ngờ quai bị và đi xét nghiệm và chẩn đoán quai bị. Sau đó, bác sĩ Phương được đưa vào bệnh viện điều trị luôn trong Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện trung ương quân đôi 108.
Nhưng chỉ 2 ngày sau, bác sĩ Phương gọi cho bác sĩ Ngọc nói “chú ơi cháu giảm một bên tai”. Khi vào khoa đo thính lực 1 bên tai thì còn nghe được, còn 1 bên thì điếc đột ngột. Lúc ấy, bác sĩ Phương đã phải điều trị điếc đột ngột tốt nhất nhưng không có kết quả, đến chiều thứ 7 thì tai bên trái đã bị tổn thương.
Đến sáng thứ 2, tất cả các âm thanh không còn cảm nhận được, điếc đặc luôn. BS Ngọc đã điều trị cho nhiều bệnh nhân bị điếc nhưng ông gặp trường hợp điếc đột ngột này thì rất hiếm gặp.
Qua 6 tháng áp dụng đủ phương pháp điều trị, áp dụng phục hồi chức năng nhưng không khắc phục được. Bác sĩ Phương không có đáp ứng được với thiết bị trợ giúp bên ngoài nên lúc đó chỉ cấy ốc tai mới nghe được nếu không thì sẽ tàn phế hoàn toàn. May mắn việc cấy điện cực ốc tai đã thành công.
Bác sĩ Ngọc nói thêm quai bị là bệnh có nhiều biến chứng, tránh vận động biến chứng vào tinh hoàn, buồng trứng ngoài ra còn các biến chứng nữa đó là gây điếc, tổn thương thính giác. Có trường hợp tổn thương thính giác 1 bên nhưng bác sĩ Phương bị cả thính giác hai bên không hồi phục chỉ chiếm 1/10000.