CSGT khống chế tài xế Chủng sau khi gây tai nạn liên hoàn
Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đề xuất công nhận liệt sĩ đối với đại úy Chu Văn Sáng, cán bộ của phòng, người đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Có các điều kiện cần và đủ để xem xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ
Chiều 18/4, trao đổi với Trí Thức Trẻ, đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết cơ quan sẽ đề xuất đến các cơ quan ban ngành để đề nghị công nhận liệt sĩ đối với đại úy Chu Văn Sáng, cán bộ của Phòng CSGT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Vì đại úy Chu Văn Sáng rất dũng cảm, có những hành động để ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm cho người lưu thông trên đường nên chắc chắn là chúng tôi sẽ họp với các cấp thẩm quyền và đề xuất trong thời gian tới. Còn bây giờ, chúng tôi và gia đình tập trung lo hậu sự cho Sáng. Đây là tổn thất lớn của Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, ông Ninh nói.
Theo luật sư Trần Đăng Sĩ, hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nghị định 31/2013/NĐ-CP, quy định cụ thể điều kiện xác nhận liệt sĩ đã nêu rất rõ rằng, người trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh được công nhận là liệt sĩ.
Đồng thời Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạnh sửa đổi 2012 cũng quy định trường hợp được công nhận là liệt sĩ có thể là đấu tranh chống tội phạm.
“Như vậy, đối với trường hợp của đại úy Chu Văn Sáng, có các điều kiện cần và đủ để xem xét truy tặng danh hiệu liệt sĩ và bằng “Tổ quốc ghi công” trong trường hợp này. Cần sớm có các chế độ phù hợp nhằm bù đắp cho những tổn thất mà gia đình đại úy đã phải gánh chịu vì sự việc đáng tiếc này”, luật sư nói.
Hiện trường nơi xe của tổ tuần tra bị đối tượng ép ngã
Như Trí Thức Trẻ đã thông tin, do bị người dân truy đuổi từ Đồng Nai nên khi chạy trên QL51, đoạn qua thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tài xế Huỳnh Văn Chủng (43 tuổi, ngụ TP.HCM) điều khiển xe bán tải hiệu Ford Range mang biển số 51C-952.29 chạy quá tốc độ.
Cùng lúc, tổ CSGT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận được tin báo xe này đã gây ra nhiều vụ tai nạn ở Đồng Nai nên ra lệnh dừng xe. Thế nhưng tài xế không dừng mà bỏ chạy.
Đại úy Chu Quang Sáng và binh nhất Lê Văn Toàn (chiến sĩ cảnh sát cơ động) đã dùng xe mô tô đặc chủng đuổi theo.
Trong quá trình truy đuổi, xe bán tải đã ép ngã xe do đại úy Sáng điều khiển ở đoạn ngã ba Cái Mép (phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ). Đại úy Sáng bị đa chấn thương, gãy tay, xương sườn, xương chậu, dập phổi, xuất huyết nội… phải mổ cấp cứu ở bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu. Dù được cứu chữa tích cực nhưng anh đã không qua khỏi, hi sinh lúc 19h ngày 17/4.
Đối tượng Chủng có thể đối diện khung hình phạt là tử hình
Trở lại vụ việc, sau khi ép, gây tai nạn cho cảnh sát giao thông, Chủng tiếp tục bỏ chạy với bánh xe đã bị nổ. Qua trạm thu phí T3 – xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ mà không mua vé, người này đã đâm xe vào con lươn làm đầu xe bị hư hỏng nặng và bị bắt ở cuối địa phận thị xã Phú Mỹ, đầu TP Bà Rịa.
Trước khi gây tai nạn cho cảnh sát giao thông, chiếc xe trên đã gây tai nạn cho nhiều xe ôtô, xe máy ở Phước Thái, Long Thành (Đồng Nai) rồi bỏ chạy.
Nhiều người dân đuổi theo, chặn bắt tài xế này ở địa phận Đồng Nai nhưng đã bị đối tượng dùng rìu tấn công. Một tài xế xe tải bị mẻ xương sau xô xát này.
Sau khi được lấy mẫu máu để xét nghiệm chất kích thích và nồng độ cồn vào thời điểm lái xe thì Chủng đều âm tính. Gia đình Chủng cũng đã xuất trình sổ điều trị tâm thần ngoại trú của Chủng.
Quyển sổ theo dõi điều trị ngoại trú của Huỳnh Văn Chủng
Luật sư Sĩ phân tích, đã có một chuỗi các hành vi của tài xế, từ việc gây tai nạn liên hoàn và bỏ chạy cho đến hành vi nguy hiểm, chống người thi hành công vụ, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng mà hậu quả là đã gây ra thiệt hại về tính mạng cho đại úy Sáng.
“Vì thế có thể thấy hàng loạt các dấu hiệu phạm tội mà tài xế Huỳnh Văn Chủng đã có dấu hiệu phạm phải.
Cụ thể là tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại điều 260 Bộ luật hình sự 2015, tại điểm c khoản 2: “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”. Vấn đề này cần phải được tiếp tục làm rõ thông qua điều tra.
Riêng đối với hành vi chèn ép đại úy Sáng của tài xế Chủng, trong trường hợp này, sĩ quan CSGT đang thi hành nhiệm vụ và có hiệu lệnh dừng xe khi phát hiện tài xế đang bỏ chạy, và hậu quả là khiến cho đại úy Sáng tử vong.
Đây không phải là hành vi có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ, mà là hành vi có dấu hiệu của tội “giết người” theo quy định tại điều 123 BLHS 2015″, luật sư phân tích.
Với những hành vi này, hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng. Giết người đang thi hành công vụ được quy định tại điểm d khoản 1 điều 123 BLHS 2015 với mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.
Được biết, theo quy định tại điều 21 BLHS 2015, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy vậy, theo luật sư Sĩ thì khả năng đối tượng Chủng mắc bệnh tâm thần là không cao. Lý do là đối tượng này đã điều khiển phương tiện một cách chủ động trên quãng đường dài, không phải là hành vi bất chợt.
Trong trường hợp nếu có vấn đề trong năng lực của đối tượng, thì cần xem xét trách nhiệm của người đã giao phương tiện cho đối tượng Chủng lái trên thực tế.