Sẽ có quy định để không ai có quyền giữ thẻ căn cước công dân, kể cả khách sạn

Đó là thông tin được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), sáng 10/6.

Theo đó, sáng nay 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước (sửa đổi). Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, luật này được xây dựng nhằm mục tiêu rất quan trọng là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu thứ hai là không để ai bị xâm phạm về đời tư cá nhân.

Đó là một trong những nội dung quan trọng được người đứng đầu Bộ Công an thông tin về những đối tượng được giữ thẻ CCCD.

Cụ thể, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết sẽ có quy định để không ai có quyền giữ thẻ căn cước công dân, trường hợp có khách lưu trú thì khách sạn cũng không có quyền giữ thẻ này.

Việc sử dụng thẻ căn cước cũng sẽ được quy định rõ, sẽ không cơ quan, đơn vị nào có quyền giữ thẻ của người dân, mà chỉ được sử dụng thông tin trong căn cước, ngoại trừ các cơ quan công an phục vụ cho điều tra.

6666

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công An thông tin các nội dung liên quan đến CCCD trong phiên thảo luận tại tổ sáng 10/6 (Ảnh: Dân Trí).

Theo Bộ trưởng, thẻ căn cước của công dân hiện nay mà Việt Nam sử dụng có tích hợp QR với nhiều thông tin.

Bộ Công an cũng tính toán đưa công nghệ sinh học vào quản lý, tránh trường hợp những người phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi nhận dạng hoặc không có dấu vân tay.

Kinh phí để triển khai cấp thẻ căn cước cho người dân, Bộ trưởng Công an cho biết lấy từ các nguồn tổ chức quốc tế tài trợ và xã hội hóa; phôi thẻ làm căn cước do doanh nghiệp sản xuất với chi phí rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu.

Trước những lo ngại của các Đại biểu Quốc hội cũng như người dân về việc, người dùng thẻ CCCD có thể bị theo dõi, người đứng đầu Bộ Công an đã bác bỏ quan điểm này và khẳng định trên thẻ không có sóng, không có tín hiệu, nên không thể có chức năng “theo dõi”.

Nói thêm về lợi ích của việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Đại tướng Tô Lâm cho biết, tới đây sẽ không phải thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở, điều này sẽ tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 1.500 đến 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Căn cước Công dân sẽ tích hợp kết nối về bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, sản xuất văn bằng chứng chỉ, in thẻ bảo hiểm y tế, sao y, chứng thực công chứng… đều mang lại lợi ích rất lớn.

Đơn cử khi tích hợp với sổ bảo hiểm y tế, sổ khám sức khỏe, để biết được tình trạng sức khỏe nhân dân, giúp tính toán được các địa phương cần bao nhiêu bác sĩ, hệ thống y tế, chống gian lận trục lợi bảo hiểm y tế.

Nói về lợi ích của việc xây dựng cơ sở dữ liệu này, Đại tướng Tô Lâm cho hay “Chi phí xây dựng hệ thống là khoảng 3.000 tỷ đồng, nhưng mang lại lợi ích lớn khi kết nối với các ngành khác và phục vụ cho nhân dân trong nhiều thủ tục hành chính”, người đứng đầu Bộ Công an nhấn mạnh.