Hai ông Donald Trump – Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất, được tổ chức ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: AP.
Nhiều nguồn thạo tin Trung Quốc khẳng định Việt Nam hiện đang là lựa chọn hàng đầu để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, theo SCMP.
Việt Nam đáp ứng được mọi tiêu chí để tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông), việc Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế thị trường và vị trí địa lý thuận lợi là hai trong số những lý do chủ yếu giúp Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai của các ông Donald Trump và Kim Jong-un.
Ngoài Việt Nam, một số địa điểm khác cũng đang nằm trong “tầm ngắm” của hai nước Mỹ-Triều là Thái Lan, Hawaii và Singapore; trong đó quốc đảo Singapore là địa điểm diễn ra cuộc gặp đầu tiên của hai ông Trump-Kim hồi tháng 6/2018.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin của Trung Quốc được tiếp cận với thông tin trong cuộc hội đàm của nhà lãnh đạo Triều Tiên và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì khẳng định rằng Việt Nam hiện đang là lựa chọn hàng đầu cho sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng này.
Bên cạnh đó, tờ báo Nhật Bản Yomiuri đưa tin ngày 13/1 cũng cho biết chính phía Mỹ đã đề xuất Việt Nam làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh của hai ông Trump-Kim, theo SCMP.
Nhiều nhà quan sát cho rằng Việt Nam là quốc gia có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với cả Washington và Bình Nhưỡng, do Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả hai nước Mỹ-Triều, và được các bên nhìn nhận là một quốc gia trung lập.
Năm 2006, trong một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Hà Nội, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng đưa ra một sáng kiến mới về Triều Tiên và lần đầu tiên đề cập tới triển vọng chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Còn theo ông Koh Yu-hwan, một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Seoul, Hàn Quốc, thì vị trí địa lý gần gũi cũng là một trong những lí do giúp Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2.
“[Phái đoàn Triều Tiên] có thể đi xuyên Trung Quốc đại lục [tới Việt Nam]… Điều đó sẽ giúp Bình Nhưỡng giảm bớt áp lực về vấn đề an ninh và đảm bảo an toàn cho ông Kim”, ông Koh nhận định.
Năm ngoái, khi hai ông Trump-Kim gặp gỡ tại Singapore, phía Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên trong việc đảm bảo an ninh trong suốt chuyến bay của ông Kim. Không chỉ sử dụng chuyên cơ của Trung Quốc, chiếc máy bay chở ông Kim cũng đã tránh xa các khu vực ven biển nhằm đảm bảo an ninh tối đa cho nhà lãnh đạo này.
Ông Zhao Tong, một học giả tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, khẳng định Việt Nam “đáp ứng được mọi tiêu chí cần thiết” để trở thành nước chủ nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Triều Tiên có thể học tập Việt Nam
“Việt Nam ngày càng mở cửa và hội nhập quốc tế nhanh chóng, và còn có tiềm năng phát triển kinh tế lớn – quốc gia này hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu để Triều Tiên học tập”, theo ông Zhao. Học giả này cũng cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sẽ được Trung Quốc – đồng minh lớn của Triều Tiên – ủng hộ hết mình.
“Việc giảm thiểu những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ mở ra cánh cửa để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng về kinh tế đối với Triều Tiên. Đây là mục tiêu chủ chốt về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và nó cũng có thể giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Bắc của Trung Quốc”, theo ông Zhao.
Việt Nam có thể trở thành hình mẫu của Triều Tiên.
Năm 1986, Việt Nam đã bắt đầu áp dụng chương trình cải cách từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Giáo sư Koh cho rằng triển vọng phát triển kinh tế nhanh chóng còn có thể khiến Triều Tiên nhanh tiến tới quyết định từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình và phi hạt nhân hóa như Mỹ mong đợi.
“Có thể Mỹ đang mường tượng viễn cảnh Triều Tiên áp dụng mô hình phát triển kinh tế giống như của Việt Nam… Qua hai cuộc gặp thượng đỉnh, có thể Mỹ muốn gửi tới Triều Tiên một thông điệp mang tính biểu tượng rằng Bình Nhưỡng có thể lựa chọn giữa mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam hoặc của Singapore”, ông Koh nói.
Trước đó, Triều Tiên chưa nhận được nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ để phát triển kinh tế, nhất là khi nước này phải chịu nhiều rào cản cấm vận và trừng phạt của Liên Hợp Quốc kể từ tháng 9/2017.
Tuy nhiên Sean King, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ – hiện là Phó Chủ tịch của tổ chức chiến lược chính trị Park Strategies, đã chỉ ra rằng hiện nay tình hình của Triều Tiên đã khác xa so với Việt Nam hồi năm 1986.
“Chỉ sau khi thống nhất được hai miền Nam-Bắc, thì Việt Nam mới có thể mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, với Triều Tiên thì khác, họ không thể liều lĩnh mở cửa nền kinh tế khi mà bên cạnh là một Hàn Quốc thịnh vượng hơn nhiều”, ông King nói.
Một số chuyên gia đều tỏ ra hoài nghi về kết quả mà hai nước Mỹ-Triều Tiên sẽ đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai. Theo họ, các cuộc đàm phán có thể sẽ chỉ đi đến một thỏa thuận hạn chế, ví dụ như giải trừ quân bị, chứ chưa thể đạt được giải pháp phi hạt nhân hóa triệt để.