Ông Trump trong thời gian tới sẽ còn quyết liệt hơn trước trong cả chính sách đối nội lẫn hoạt động đối ngoại và vẫn sẽ bám giữ vào khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”.
Cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa rồi ở Mỹ đã đưa lại kết quả là đảng Cộng hoà và cá nhân đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như đảng Dân chủ không thắng lớn và cũng không bị thua to mà phe nào cũng vừa thắng và vừa thua.
Đảng Dân chủ chỉ giành về được có đa số ở Hạ viện trong khi phe cánh chính trị của ông Trump vẫn kiểm soát được Thượng viện. Đa số cử tri Mỹ không ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hoà nhưng ông Trump và đảng này lại đã rất thành công với việc huy động được diện cử tri truyền thống của họ tham gia bầu cử.
Kết quả bầu cử cho thấy cử tri Mỹ đã ý thức về sự cần thiết phải tạo đối trọng chính trị để kiềm chế và kiểm soát ông Trump nhưng cũng báo hiệu sự ủng hộ dành cho cá nhân ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ vẫn còn rất đáng kể và lớn đến mức đủ để ông duy trì được cơ hội cũng như triển vọng tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ năm 2020.
Một dân biểu đảng Cộng hòa tham gia bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ. Ảnh: David McNew/Getty Images
Kết quả bầu cử ấy tạo nên sự cân bằng quyền lực chính trị giữa hai phe trong quốc hội Mỹ và đồng nghĩa với việc ông Trump bị mất bớt uy quyền và việc cầm quyền sẽ trở nên khó khăn phức tạp hơn trước.
Nhưng ông Trump sẽ không còn là ông Trump như bộc lộ cho đến nay và như mọi người thấy cho đến nay nếu chỉ vì kết quả bầu cử ấy mà thay đổi cả định hướng quan điểm chính sách lẫn phương cách cầm quyền.
Ông sẽ nhờ phần chiến thắng kia mà tiếp tục như lâu nay và không vì, thậm chí rất có thể còn chính vì phần thua nói trên mà sẽ cứ tiếp tục như lâu nay.
Chậm nhất thì cũng đến lần bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ này, ông Trump phải nhận ra rằng không thể chinh phục được đa số cử tri Mỹ. Vì thế, muốn bảo vệ được quyền lực thì ông Trump chỉ có cách là làm hài lòng bộ phận cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho mình trong lần bầu cử Tổng thống năm 2016 và cho đảng Cộng hoà ở lần bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ này.
Mà diện cử tri này hoàn toàn không muốn ông Trump thay đổi so với trước trong cả quan điểm chính sách lẫn phương cách cầm quyền. Vào lúc này hay khi khác, ông Trump sẽ có lời nói hay động tác tỏ ra mong muốn và sẵn sàng hợp tác với đảng Dân chủ, nhưng trong thâm tâm lại chỉ rất khiên cưỡng.
Kết quả bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ như thế chưa đủ mức để buộc ông Trump phải thay đổi. Cử tri Mỹ đã cảnh cáo nhiều hơn là đã trừng phạt ông Trump.
Vì thế và vì mục tiêu được tái ứng cử, tái đắc cử tổng thống lần nữa, ông Trump trong thời gian tới sẽ còn quyết liệt hơn trước trong cả chính sách đối nội lẫn hoạt động đối ngoại, vẫn sẽ bám giữ vào khẩu hiệu “Nước Mỹ trước hết”, vẫn sẽ nhằm vào sự phân rẽ trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở Mỹ, vẫn cực đoan và dân tuý trong cả phát ngôn lẫn hành động.
Sẽ là quá vội vàng, có thể là ngộ nhận và chắc chắn là ảo tưởng nếu bên ngoài cho rằng cuộc bầu cử này đã làm thay đổi nước Mỹ và vì thế ông Trump cũng sẽ phải thay đổi.
Kết quả như trên của cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ này ở Mỹ xác nhận rằng việc ông Trump đắc cử Tổng thống năm 2016 không phải là chuyện ngẫu nhiên hay bột phát ở nước Mỹ mà là kết quả thắng thế của những thay đổi rất sâu sắc về mọi phương diện ở đất nước này.
Sau thời kỳ cầm quyền của ông Trump, dù chỉ là một hay cả hai nhiệm kỳ, nước Mỹ không còn như trước nữa và không trở lại như trước nữa. Điều này có tác động rất to lớn tới cả thế giới bên ngoài, tới trật tự thế giới và kinh tế thế giới, tới luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.